Chứng nhận VietGAP: "Thuận mua vừa bán"

Thứ bảy, 02/07/2016, 11:33
Hiện chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... Nhà nước cũng chưa có một quy định nào về mức giá cho mỗi chứng nhận là bao nhiêu. Bản thân doanh nghiệp là đơn vị làm dịch vụ nên khách hàng cũng phải thực hiện theo cơ chế thị trường “thuận mua vừa bán”.

Ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khi trao đổi với PV sau phản ánh của VTV24 về việc bán chứng nhận VietGAP cho lúa.

Ông Ma Quang Trung cho biết, Cục đã có Quyết định kiểm tra tất cả quy trình cấp giấy chứng nhận VietGAP của Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert. Đồng thời, qua sự việc này, Cục Trồng trọt cũng có quyết định kiểm tra tất cả 22 đơn vị đã được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận VietGAP.

“Nếu kết quả kiểm tra phát hiện vi phạm thì phải rút ngay giấy phép và thậm chí còn phải đề nghị xử lý nặng. Trước mắt là phải thanh tra cụ thể sự việc thế nào, có vi phạm không và mức độ đến đâu”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert (gọi tắt là Vinacert) cho biết, hiện Vinacert đã nhận được công văn kiểm tra của Cục Trồng trọt và phải chờ kết quả kiểm tra đến hết ngày 7.7 tới của Cục này.

Ông Dũng cũng cho biết, ngay sau khi phóng sự của VTV phát, phía Vinacert đã có công văn gửi tới VTV để giải thích về vấn đề này. Về mặt giá cả, theo ông Dũng hiện chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,  hay các loại chứng nhận khác hiện Nhà nước cũng chưa có một quy định nào về mức giá cho mỗi chứng nhận là bao nhiêu. Bản thân doanh nghiệp của ông là đơn vị làm dịch vụ nên khách hàng cũng phải thực hiện theo cơ chế thị trường “thuận mua vừa bán”.

Do đó, công ty chỉ đưa ra mức giá khung cứng cho từng hạng mục, tùy từng trường hợp cụ thể, phải kiểm nghiệm nhiều mẫu hay không, có phải di chuyển xa hay gần…nhân viên kinh doanh của công ty hoàn toàn có quyền được đàm phán giá với khách hàng nên giá chứng nhận 45 triệu, 90 triệu hay cao hơn nữa cũng không vi phạm các quy định của pháp luật.

Còn về thời gian chứng nhận, ông Dũng cũng cho biết, theo quy trình thì chỉ cần 7 ngày là cấp chứng nhận sau khi lấy mẫu và có kết quả kiểm nghiệm là an toàn chứ không phải cần tới 4 tháng như VTV phản ánh.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận việc nhân viên kinh doanh tư vấn trong trường hợp này cũng đã có những nội dung vi phạm đạo đức nghề nghiệp. “Chỉ với hai chi tiết là có thể mượn mẫu lúa bên cạnh chứng nhận và thậm chí khẳng định là cấp khống cho toàn bộ 100% quy trình VietGAP dù không có mẫu lúa đã đủ xác định vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đủ để buộc thôi việc nhân viên này rồi”, ông Dũng nói

Kiểm tra 22 đơn vị được chỉ định cấp chứng nhận VietGAP

Trước đó, phóng viên của VTV24 đã vào vai một doanh nghiệp cần đăng ký giấy chứng nhận VietGAP cho lúa, phóng viên VTV24 đã có cuộc gặp gỡ với một nhân viên kinh doanh - tự giới thiệu là của Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert, đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định cấp chứng nhận VietGAP.

VTV24 cho biết, khi được hỏi các khâu từ đầu đến thu hoạch lúa đã xong, vậy có thể được cấp chứng nhận VietGAP cho lúa hay không? Không ngần ngại, nhân viên này khẳng định là được. Được biết, để được chứng nhận VietGAP, quy trình chứng nhận là khoảng 3 tháng, thậm chí 4 tháng, nhưng nhân viên này khẳng định hoàn toàn rút được xuống 1,5 tháng với một thủ thuật đơn giản gọi là “nhảy cóc”.

VTV24 cũng cho biết, nhân viên này đảm bảo chắc như đinh đóng cột chứng nhận VietGAP sẽ được cấp cho cả quy trình. Nhưng thực tế, 70% các khâu trong quy trình có thể được bỏ qua. Và để bỏ qua như vậy, công ty sẽ không ngại cấp khống một phần hồ sơ.

VTV24 cũng cho biết, để được cấp chứng nhận VietGAP trong khoảng 1,5 tháng, doanh nghiệp cần bỏ ra 45 triệu. Còn cấp khống nhanh hơn trong 2 tuần, giá tăng lên gấp đôi là 90 triệu. Đó là cấp khống cho 70% quy trình. Đáng chú ý, công ty này còn có thể cấp khống cho toàn bộ 100% quy trình VietGAP, nghĩa là không có lúa, vẫn có thể mua được chứng nhận lúa VietGAP.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn