Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Formosa có 53 hành vi vi phạm. |
Sáng nay 11-7, tại phiên họp thứ 50 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đặt thẳng vấn đề thu hút sự quan tâm và lo lắng của người dân miền Trung trong nhiều tháng qua là vụ việc nhà máy thép Formosa (ở Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) xả thải huỷ hoại môi trường biển 4 tỉnh Miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) vừa qua phải chăng không chỉ là ô nhiễm môi trường mà còn các vấn đề khác, đề nghị cơ quan của Chính phủ cho biết thêm thông tin như việc sử dụng lao động nước ngoài ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Trả lời vấn đề mà bà Nguyễn Thuý Anh đặt ra, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết qua công tác kiểm tra đã phát hiện trong giai đoạn hiện nay, Công ty Formosa Hà Tĩnh khi chạy thử nghiệm (trước khi cơ quan quản lý nhà nước vào kiểm tra và cho phép hoạt động) có 6 nhà thầu nước ngoài. Trong đó, liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị và vận hành hệ thống xử lý nước thải thì hầu hết là nhà thầu của Trung Quốc.
"Qua kiểm tra phát hiện 53 hành vi vi phạm về hành chính, trong đó liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công... Vấn đề là qua giai đoạn thử nghiệm có dấu hiệu xảy ra sự cố liên quan đến điện, liên quan đến việc triển khai các hệ thống xử lý chưa đáp ứng theo đúng quy trình, quy định của Việt Nam, chưa đúng quy định của pháp luật cũng chưa đúng quy định của cơ quan quản lý"- ông Hà nói.
Điều đáng chú ý, theo Bộ trưởng TN-MT, trong 53 hành vi vi phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh có một số hành vi rất quan trọng là Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ cốc xử lý khô sang công nghệ xử lý cốc ướt – là công nghệ xử lý có rất nhiều chất thải. Công nghệ này hoàn toàn do họ tự ý điều chỉnh, đây là bằng chứng rõ ràng về mặt pháp lý. Tuy nhiên, việc sửa đổi công nghệ này không liên quan đến sự cố môi trường mà nó liên quan đến việc họ đã vi phạm quy định của Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay nhà máy của Formosa đang trong giai đoạn chạy thử, trên thực tế công suất và nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc. Tại đó, nguồn nước thải ra được xử lý ở trạm sinh hoá mà đến nay mới chạy được 1/4 công suất nên việc để xảy ra nhiễm như vậy có thể khẳng định là do sự cố; nếu vận hành đầy đủ, đúng quy định và được kiểm tra chặt chẽ thì hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kiểm soát và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.
Hiện nay, sau khi Công ty Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả sự cố môi trường, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các công việc liên quan đến kiểm soát, giám sát và yêu cầu họ khắc phục các tồn tại.
Tham gia giải đáp lo lắng của Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của QH, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết về quản lý lao động nước ngoài ở Formosa, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc cấp giấy phép.
"Hiện nay, chúng tôi được biết có 70% lao động ở Formosa được cấp giấy phép, con số của các nhà thầu luôn biến động phụ thuộc vào từng giai đoạn. Theo số liệu được báo cáo, các lao động nước ngoài hiện nay giao cho Hà Tĩnh quản lý cấp giấy phép, và việc này được thực hiện theo đúng quy định"- ông Huân cho hay.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm do ảnh hưởng từ sự cố Formosa xả thải gây hại môi trường miền Trung dẫn đến các nhà hàng, khách sạn ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, đa phần vẫn không dám ăn hải sản và khách du lịch chưa dám về đây. "Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đúng là chưa bàn giải pháp cho du lịch 4 tỉnh miền Trung. Trong tuần này, Chính phủ sẽ có cuộc họp bàn giải pháp ngành du lịch sẽ đặt vấn đề khôi phục du lịch 4 tỉnh miền Trung này" - ông Dũng nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng việc Chính phủ xử lý đối với vụ Formosa đã kịp thời như điều tra xác định nguyên nhân, an dân, tiến hành xây dựng chính sách hỗ trợ...
Theo NLĐ