Không chỉ gây ra thảm họa lớn về môi trường, Formosa Hà Tĩnh luôn bị kêu lèm nhèm về thuế |
Cụ thể, theo Cục thuế Hà Tĩnh, từ cuối tháng 5 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có yêu cầu về kê khai, khấu từ thuế, hoàn thuế với hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) kê khai chậm sau thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra với Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ngày 8/6, Cục Thuế Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu công ty này phải nộp vào ngân sách số tiền thuế đã được hoàn và điều chỉnh giảm số thuế được khấu trừ trên hồ sơ khai thuế đối với số tiền thuế đã kê khai, khấu trừ nhưng chưa được hoàn.
"Formosa Hà Tĩnh cũng được yêu cầu phải tự tính số tiền phạt, tiền chậm nộp theo quy định tại Nghị định 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng đến nay, Formosa Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện", nguồn tin của PV cho biết.
Được biết, tổng số hoá đơn, chứng từ kê khai khấu trừ hoàn thuế chậm (từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2015) của Formosa Hà Tĩnh có 19.497 số với số thuế GTGT rất lớn: trên 1.554 tỷ đồng. Số thuế đã hoàn trên 1.443 tỷ đồng và số thuế chưa hoàn trên 110 tỷ đồng.
Cũng theo Cục Thuế Hà Tĩnh thì việc chậm đưa vào kê khai, khấu trừ, hoàn thuế của Formosa Hà Tĩnh chủ yếu là các hoá đơn, chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và hoá đơn thuế GTGT đầu vào xây dựng dự án.
Điều này được giải thích do khối lượng chủng loại hàng hoá nhập khẩu lớn nên kể từ khi công ty này mở tờ khai và nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đến khi được cơ quan Hải quan kiểm tra và cho thông quan phải có khoảng thời gian nhất định và qui mô dự án cũng rất lớn nên số lượng hoá đơn chứng từ mua vào rất nhiều.
Được biết, việc Formosa Hà Tĩnh lèm nhèm, chậm chạp về việc làm thủ tục thuế, nộp thuế diễn ra không phải chỉ một lần. Vào thời điểm cuối tháng 5/2016, ông Nguyễn Ngọc Du - Trưởng phòng Kiểm tra thuế 1 (Cục Thuế Hà Tĩnh) cũng đã cho biết cho biết, Tổng cục Thuế Việt Nam đã ra quyết định truy thu 225 tỷ đồng tiền thuế của Công ty Formosa Hà Tĩnh và Công ty này cũng đã nộp khoản tiền này.
Nguyên nhân của việc truy thu này là do Tổng cục Thuế căn cứ vào hồ sơ xây dựng của Formosa Hà Tĩnh thấy thiếu, quá hạn do với hồ sơ ban đầu và không chấp nhận hợp đồng gia hạn.
Trước đó, cuối tháng 4/2016, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định truy thu gần 5 tỷ đồng thuế nhập khẩu và trên 498 triệu đồng thuế GTGT với Formosa Hà Tĩnh đồng thời buộc Công ty này phải nộp số tiền phạt chậm trên mức thuế bị truy thu và bị cơ quan Hải quan xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Việc phạt này được thực hiện trên cơ sở nội dung kiểm tra trước đó 6 tháng. Số tiền gần 5,5 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu thuộc mặt hàng vật tư xây dựng trong nước sản xuất được, Formosa Hà Tĩnh khai miễn thuế nhưng đoàn kiểm tra làm rõ mặt hàng này không được miễn thuế nên truy thu và công ty này đã đồng ý nộp phạt vào ngày 12/4/2016.
Cơ quan Hải quan xác định Formosa đã kê khai, áp mã HS chưa đúng với quy định hiện hành, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng.
Gần đây nhất, Cục Thuế Hà Tĩnh còn cho biết, Formosa Hà Tĩnh bị nằm trong "tầm ngắm" của cơ quan thuế về nghi vấn chuyển giá.
Phân tích về những dấu hiệu vi phạm các chính sách quy định về thuế của Formosa Hà Tĩnh, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng, trong trường hợp của Formosa Hà Tĩnh, vì số thuế GTGT đã được hoàn thuế không đủ điều kiện hoàn, Cục thuế Hà tĩnh đã ra quyết định truy thu thì thời gian tính tiền chậm nộp chính là thời gian từ lúc ra quyết định đến lúc xuống kiểm tra hoặc thanh tra. Do đó đã có đủ cơ sở tính chậm nộp. Tùy theo từng thời điểm hoàn mà tiền phạt chậm nộp là 0,05%/ngay hoặc là 0,03%/ngay, Còn về thuế nhập khẩu của Formosa Hà Tĩnh, chuyên gia này cho biết, việc xác định mã số HS là rất quan trọng để xác định thuế suất thuế nhập khẩu đối với các loại mặt hàng, doanh nghiệp thì cũng có những cách hiểu khác nhau khi diễn giải tên sản phẩm, thành phần cấu tao, dẫn đến việc áp mã HS và thuế suất sai, Khi Tổng cục Hải quan vào thanh tra và phát hiện sai mã HS, áp sai thuế suất thì phải điều chỉnh lại cho đúng. |
Theo Dân Trí