Nhân sự kiện này, PV xin điểm lại một số diễn biến chính xoay quanh dự án này thời gian trước, như nét chấm phá nhanh về bức tranh tổng thể về doanh nghiệp này trên thị trường địa ốc Hà Nội.
Ngược gió
Cuối năm 2014, cựu Phó TGĐ Trần Như Trung của Tân Hoàng Minh thừa nhận sự chậm trễ tiến độ của một loạt dự án cao cấp theo lối Pháp cổ. “Các dự án đều nằm trong khu vực đất vàng, nên việc xin giấy phép rất phức tạp. Ví dụ như dự án D’.San Raffles, Hàng Bài, đóng tiền sử dụng đất từ năm 1995 nhưng gần đây mới gần hoàn thiện các thủ tục pháp lý và dự kiến đến quý II năm tới mới khởi công…”.
Trong cuộc họp báo thời điểm đó, ông Trung cung cấp thông tin: “Đúng là Tân Hoàng Minh đang có nhiều dự án, nhưng chỉ có dự án trên đường Nguyễn Văn Huyên đang được xây dựng…”.
Tài lực của Tân Hoàng Minh vẫn là ẩn số? |
Đồng thời, đại diện Tân Hoàng Minh lại hở sườn về tiến độ của một dự án không kém phần cao cấp khác ở Hoàng Cầu (quận Đống Đa): Công trình này hiện đang hoàn thành cơ bản tầng hầm 1 và đang bước vào thi công tầng hầm 2. So sánh giữa 2 thông tin chính thống từ chủ đầu tư, đã có độ “vênh” rõ rệt, khiến bất cứ ai cũng đặt dấu hỏi về khả năng Tân Hoàng Minh đang “múa” với thị trường.
Khởi điểm từ chủ thương hiệu hãng taxi V20 tại Hà Nội và TP.HCM, Tân Hoàng Minh bất chợt trở thành một thế lực đáng gờm trong làng địa ốc với thông tin sở hữu hàng loạt dự án đất “kim cương” giữa trung tâm Thủ đô như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Hoàng Cầu, hồ - công viên Nghĩa Tân và công viên Thống Nhất - hồ Bảy Mẫu. Siêu sang nhất trong 4 dự án của DN này, D’.Palais de Louis (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy), đang đếm ngược chờ giờ mở bán bất chấp sau lưng nhiều dấu hỏi từ thị trường lẫn giới thạo nghề. |
Tới giữa 2015, Tân Hoàng Minh bất ngờ cùng lúc triển khai 3 dự án siêu sang tại Hà Nội (trong đó có dự án trên đường Nguyễn Văn Huyên hoàn thành xây thô, đang hoàn thiện nhà mẫu và chuẩn bị ra mắt thị trường).
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn hoài nghi về khả năng chủ đầu tư đang rơi vào thế chân tường vì thiếu vốn (dẫn tới Tập đoàn này vội vã bán hàng một dự án để lấy chính nguồn tiền huy động từ khách hàng và "đắp" sang các dự án khác đang đói vốn). Lý do là công ty "sân sau" của Tân Hoàng Minh (lập ra nhằm thu hút vốn, hậu thuẫn cho BĐS) đã bị "khai tử" nhiều tháng trước đó. Công ty CP Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán Minh Việt (MinhViet Capital).
Sức mạnh nào cho Tân Hoàng Minh?
Tháng 9.2015, D.Palais de Louis – Nguyễn Văn Huyên gặp nghi vấn (dù đã xây thô thấy hình hài) về thời điểm bởi chủ đầu tư có dấu hiệu "bết bát" vì phải gia hạn chậm nộp tiền thuế tại D.Le Pont D'or Hoàng Cầu. Tiếp tục chặng đường pháp lý, theo văn bản 14555/SXD- QLN ngày 31.12.2015 của Sở Xây dựng Hà Nội, “siêu dự án” tại Nguyễn Văn Huyên chỉ có 238 căn hộ được phép đưa vào kinh doanh.
Trong khi đó, tài liệu chính thống cho biết, D’.Palais de Louis (số 6 Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô) gồm toà tháp 27 tầng và 4 tầng hầm để xe, 2 tầng sảnh công cộng dịch vụ, 242 căn hộ diện tích từ 120,9m2 đến 260,8m2 và 2 căn hộ Penthouse rộng gần 1000m2… Vậy, một số căn hộ của dự án gặp vấn đề gì mà không thể lọt vào danh sách được bán?
SHB – mạch máu chính của Tân Hoàng Minh trong hoạt động đầu tư? |
Thời điểm ra mắt, dự án đã gây chấn động thị trường khi công bố mức giá 100 triệu đồng/m2, thậm chí có thời điểm lên tới 145 triệu đồng/m2. 5 năm trước, dự án được chủ đầu tư công bố lần đầu tiên tới thị trường. Dự án được khởi công tháng 12.2009, đến cuối năm 2013 đã hoàn thành xây thô và dự kiến bàn giao nhà vào đầu năm 2015 (!) Hiện tại, dự án vẫn chưa có dấu hiệu sẵn sàng về đích trong ngắn hạn với ngổn ngang vật liệu xây trên công trường.
Với những khách hàng cẩn trọng và có chuyên môn về địa ốc – tài chính, một số động thái mới đây của Tân Hoàng Minh (trước khi công bố mở bán dự án vào 9.7) chưa thể xóa tan nghi ngờ về điểm yếu cố hữu mang tên nguồn vốn.
Nhắc lại về nguồn tài lực của Tân Hoàng Minh như sau. Đầu năm 2013, trong lễ ký kết với các nhà cung cấp thiết bị cho dự án D’. Palais de Louis, ông Đỗ Anh Dũng bật mí về một nhà băng (không nêu danh tính) đã cho Tân Hoàng Minh vay cả nghìn tỷ đồng (Số tiền lãi Tập đoàn đã trả lên tới hàng trăm tỷ đồng).
Thấm thoát cả chục năm qua, những gì Tân Hoàng Minh thể hiện tại các khu đất “siêu đắc địa” đến nay, hầu hết vẫn là các tấm biển dự án, tôn quây cùng cỏ mọc ngút ngàn. Lý do “kinh điển” mà Tân Hoàng Minh từng giải thích cho tình trạng “rùa bò” ở các dự án, là thủ tục hành chính, hay sự cố mang tên nhà thầu. Tuy nhiên, với những điều tận mục sở thị, thông qua các thông tin chính thống và ...đáng tin, thì thật đáng lo cho số phận của dự án “kiệt tác vượt thời gian” của ông chủ Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. |
Theo thông tin trên Web của Tân Hoàng Minh hiện tại, SHB là một trong những đối tác hàng đầu của tập đoàn này. SHB hiện cung cấp nguồn vốn tài chính cho các dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh Group, trong đó có dự án D'.Le Pont D'or - Hoàng Cầu.
Trước đó, BIDV từng là đối tác của Tân Hoàng Minh (Website tập đoàn này từng giới thiệu BIDV là đối tác lớn cung cấp nguồn vốn tài chính cho các dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh Group, trong đó có dự án D'. Palais de Louis) nhưng sau đó BIDV đã được rút tên khỏi danh sách đối tác của Tân Hoàng Minh. Đến nay, SHB đồng thời giúp 2 dự án ( D’. Le roi Soleil tại q.Tây Hồ và D’. Le pont D’or Hoàng Cầu) "thở ô xy" bằng một số cam kết tài trợ vốn vài nghìn tỷ đồng liên quan...
Ngoài SHB (được coi là "rủng rỉnh" nhất trong số đối tác của Tân Hoàng Minh), mới đây Tân Hoàng Minh đã chính thức bắt tay VinGroup (10.5.2016) với kỳ vọng "Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Vingroup sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ của các dự án bất động sản đẳng cấp mà Tân Hoàng Minh đang ấp ủ...".
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chứng kiến bất cứ dấu hiệu nào cho thấy VinGroup cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác. Đồng thời, giữa bối cảnh VinGroup còn khá "bận" với nhiều dự án quy mô tại nhiều tỉnh thành, trong nhiều lĩnh vực, nhiều người đồn đoán sẽ còn khá lâu nữa tập đoàn này mới xắn tay vào các dự án "nằm đắp chiều" của Tân Hoàng Minh.
Điểm xuyên suốt, diễn biến hoạt động kinh doanh, tiềm lực tài chính của Tân Hoàng Minh vẫn còn trong màn bí mật. Với một chủ đầu tư từng phải trả lại toàn bộ tiền kèm lãi suất cho khách hàng rút chạy khỏi dự án Nguyễn Văn Huyên, kèm theo quá khứ chậm tiến độ kinh niên, chống đỡ với tai tiếng pháp lý, tài lực mờ mịt, SHB có "liều" khi rót nghìn tỷ đồng cho dự án của Tân Hoàng Minh?
Thêm nữa, chỉ bằng cái bắt tay theo dạng thỏa thuận với VinGroup, PR rầm rộ về loạt đơn vị phân phối mới tinh (cho dự án tại Quảng An), Tân Hoàng Minh sẽ khó lòng thuyết phục người mua tại lễ mở bán về tương lai chắc chắn của dự án "tuyệt tác vượt thời gian"?
Có bột mới gột nên hồ, điều này chủ đầu tư "siêu tham vọng" như Tân Hoàng Minh cần nắm rõ hơn lúc nào.