Xe cứu thương ngoại tỉnh phải “mua” bệnh nhân ở Hà Nội?

Thứ ba, 12/07/2016, 08:32
Để vận chuyển được người bệnh từ Hà Nội về quê, có lái xe cứu thương ngoại tỉnh phải thống nhất với người nhà bệnh nhân nộp tiền cho những người xưng là đội xe của bệnh viện. Có trường hợp, các đối tượng đuổi theo nhiều kilômét đe dọa, lái xe buộc phải “mua” bệnh nhân với “giá” 500 nghìn đồng!

“Chúng tôi ở Hà Nội còn không đón được thì xe tỉnh ngoài “đừng mơ” đón được bệnh nhân ở Hà Nội” - đó là chia sẻ của anh Cao B.T., lái xe một công ty tư nhân vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương ở Hà Nội. Thực tế, còn nhiều chuyện bi hài hơn mà cánh lái xe cứu thương ngoại tỉnh đến đón bệnh nhân ở Hà Nội gặp phải.

“Ăn đấm” ngay trong bệnh viện

Làm nghề lái xe cứu thương từ năm 2000 cho Công ty N.A. (trụ sở tại TP.Vinh, Nghệ An), anh Đặng X.C. (SN 1969) không nhớ hết bao lần bị cánh bảo vệ các bệnh viện ở Hà Nội và cả đám “cò mồi” ngăn cản, không cho đón bệnh nhân về.

“Đến Viện Bỏng, qua được cổng bảo vệ vào trong thì lập tức có đám “cò mồi” mặc thường phục đi xe máy vào đuổi ra, có mấy khi đón được đâu” - anh C. tâm sự.

Anh C. nhiều lần bị bảo vệ bệnh viện Bạch Mai "quây" khi đón bệnh nhân tại viện này. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Không đón được bệnh nhân đã đành, có lần vào đón khách đã ký hợp đồng trước trong Bệnh viện Bạch Mai, anh C. còn “lĩnh đòn” ngay trong bệnh viện.

Khoảng 2 tháng trước, anh C. nhận lệnh công ty đến sảnh nhà A9 khoa Việt - Nhật (BV Bạch Mai) đón bệnh nhân.

“Y tá đi theo xe vừa đẩy cáng lên thì bảo vệ giằng lại, không cho đi, dù bệnh nhân có giấy ra viện đầy đủ. Sau đó, bảo vệ này gọi thêm 3-4 người đi xe điện đến quây xe chúng tôi lại. Trong lúc đôi co, một người trong số này từ phía sau đấm mạnh vào tôi” - anh C. kể.

Sự việc trở nên căng thẳng. Y tá đi theo xe gọi điện đến đường dây nóng của Bệnh viện Bạch Mai. Anh C. cũng gọi báo Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa).

“Lúc lâu sau, một người đàn ông mặc thường phục nhận là lãnh đạo bệnh viện đến xin lỗi, bảo chúng tôi thông cảm vì lực lượng bảo vệ nhầm lẫn” - anh C. thuật lại.

Anh C. khẳng định xe cứu thương của công ty anh được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết, đảm bảo cho việc vận chuyển bệnh nhân.

Cũng tại bệnh viện này, một trưa nắng chang chang chừng 2 tháng trước, anh C. cùng đội ngũ chuyên môn đến đón bệnh nhân ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Khi y tá mang cáng lên tầng 3 đón bệnh nhân, lực lượng bảo vệ đến yêu cầu anh C. đánh xe ra ngoài.

“Hai bên cãi vã nhau giữa trời nắng. Lúc sau, y tá và người nhà chuyển bệnh nhân xuống, người nhà bệnh nhân làm um cả khoa lên thì đám bảo vệ mới chịu rời đi để chúng tôi chuyển bệnh nhân về” - anh C. kể lại và cho rằng, nếu hôm đó người nhà bệnh nhân không đông và không lớn tiếng thì chưa chắc anh đã đón được bệnh nhân đi.

Khốn khổ chuyện đón bệnh nhân chờ chết

Có kinh nghiệm đón bệnh nhân tại các bệnh viện ở Hà Nội, anh Nguyễn V.S. (SN 1972), lái xe Phòng khám đa khoa H. (địa chỉ tại TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) bày cách cho người nhà bệnh nhân: Khi có giấy ra viện rồi thì lẳng lặng đưa bệnh nhân ra ngoài bệnh viện hoặc đợi đến... nửa đêm anh sẽ vào đón.

Hơn 1 tháng trước, anh S. được điều đến đón một bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai về nhà ở Hương Khê (Hà Tĩnh) để… chờ chết. Bệnh nhân phải sử dụng máy thở, khi anh S. đỗ xe ở trước cửa khoa thì bị lực lượng bảo vệ “lùa” ra ngoài.

“Bệnh nhân nặng quá, chờ chết rồi, bảo vệ không cho đón ở cửa khoa nên chúng tôi không dám đón ở ngoài. Chúng tôi phải đợi từ 6h chiều hôm trước đến tận 1h sáng hôm sau, khi ca bảo vệ khác đến trực, mới dám cho xe vào, giả như đang đưa bệnh nhân vào cấp cứu” - anh S. kể lại câu chuyện với giọng chưa hết bức xúc.

Bi hài hơn, đưa được xe vào bên trong, đội ngũ chuyên môn theo xe vội vã đưa cáng xuống sảnh khoa bệnh nhân nằm, còn anh S. vội vàng cho xe đến khu vực nhà tang lễ để… trốn. Khi y tá đón được bệnh nhân, anh S. đánh xe quay ra, chuyển bệnh nhân lên xe rồi đi thẳng.

Anh Đặng X.C. cũng gặp một trường hợp tương tự khi bị bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương ngăn cản, không cho vào trong đón cháu bé đã tử vong về quê ở Đô Lương (Nghệ An). 4h sáng, xe đến cổng sau Viện Nhi, anh C. buộc phải gọi người nhà cháu bé bế cháu ra ngoài để đưa về.

Xe cứu thương ngoại tỉnh phải “mua” bệnh nhân (!?)

Nhiều lần bị bảo vệ, “cò mồi” ngăn cản, anh Nguyễn V.S. đều phải bảo bệnh nhân và gia đình đi ra ngoài cổng mới đón được.

“Ở Viện Bỏng, bệnh nhân sắp ra viện là đám “cò mồi” đã biết rồi. Họ chặn không cho xe mình vào đón, dù có lệnh điều xe đi đón bệnh nhân. Mình đỗ xe ở ngoài mà họ biết được cũng gây khó khăn, thậm chí đuổi theo chặn xe, đánh tài xế” - anh S. chia sẻ.

Xe cứu thương ngoại tỉnh đưa - đón bệnh nhân ở bệnh viện Việt - Đức.

Đầu năm 2016, anh S. cùng người nhà bệnh nhân đến Viện Bỏng Quốc gia đón bệnh nhân phải sử dụng máy thở trên đường về quê. Vừa cáng được bệnh nhân ra xe thì 5 người mặc thường phục xúm lại, bảo “không được đón bệnh nhân của tao” - lời anh S. thuật lại.

“Tôi hỏi người nhà sao đã thuê xe ngoài này rồi còn gọi xe trong quê ra thì người nhà bảo họ không thuê ai khác. Đám người kia bảo “bọn tao là của đội xe 117 ký hợp đồng với bệnh viện 103” rồi kéo tay tôi vào phòng trực của đội xe.

Vào trong, họ đe dọa, hỏi “chúng mày biết luật chưa hay để bọn tao nói cho”. Tôi bảo, giờ luật vô vàn lắm, các anh không cho đón thì tôi đánh xe về” - anh S. kể.

Anh S. ra đánh xe về thì người nhà bệnh nhân chạy lại xin đám người kia.

“Người nhà bệnh nhân phải nộp cho họ 1 triệu đồng họ mới cho xe tôi đưa bệnh nhân về” - anh S. nói và cho biết, chuyến xe trên của phòng khám anh có giá hợp đồng là 4 triệu đồng. Nếu đi xe của đội xe kia, người nhà bệnh nhân phải trả 6,8 triệu đồng.

Chưa hết, anh S. còn than thở về “chuyện lạ” ở Hà Nội: “Đi từ Bắc tới Nam chưa có chỗ nào thu tiền của xe cứu thương cả. Thế mà ở Bệnh viện Việt - Đức, tôi đưa bệnh nhân vào xong ra luôn cũng bị thu 50 nghìn đồng, đỗ khoảng 10 phút thì bị thu 100 nghìn đồng”.

Cũng một lần đón bệnh nhân ở bệnh viện Việt - Đức, anh S. đã phải trả cho đám “cò mồi” 500 nghìn đồng mới được đưa bệnh nhân về.

“Bốn thanh niên đi 2 xe máy đuổi theo xe tôi đến tận bến xe Giáp Bát, lôi tôi xuống đe dọa, đòi đánh. Sau hồi đôi co, tôi phải cho họ 500 nghìn mới được đi, cứ như là “mua lại” bệnh nhân ấy. Vậy mà họ còn đe dọa, lần này thì tha, lần sau là ăn đòn” - anh S. bức xúc.

“Chắc chỉ Hà Nội mới có chuyện đó thôi. Mong các cơ quan chức năng làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này chứ cả bệnh nhân lẫn chúng tôi là người làm ăn chân chính đều khổ quá” - anh S. thở dài.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn