Quân nhân Trung Quốc giơ khẩu hiệu "Có chiến tranh, gọi tất về". (Ảnh: Weibo Báo giải phóng quân) |
Theo Đa Chiều, đây được coi là động thái chuẩn bị cho "chiến tranh" của Trung Quốc nhằm đối phó lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) sẽ được công bố vào hôm nay (12/7).
Cụ thể, theo thông báo, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) yêu cầu quân nhân đã xuất ngũ quay trở lại quân đội chấp hành nhiệm vụ, thời gian từ 10/7 - 22/7.
Thông báo nhấn mạnh, "thực hiện nghĩa vụ quốc phòng theo pháp luật là trách nhiệm thiêng liêng mà quốc gia giao phó", đồng thời yêu cầu bất cứ đơn vị và các cá nhân cũng "không được cản trở".
Một giấy thông báo gửi đi hôm 8/7 yêu cầu quân nhân Trung Quốc đã xuất ngũ quay trở lại quân đội. |
Giới quan sát phân tích, căn cứ theo Luật động viên quốc phòng (Trung Quốc), nếu có nhu cầu chuẩn bị cho chiến tranh, quân đội có thể kêu gọi những quân nhân từng phục vụ trong quân ngũ quay trở lại gia nhập bộ đội.
Đặc biệt là những binh chủng mang tính kỹ thuật cao như hải quân và pháo binh. Những quân nhân đã xuất ngũ chính là nguồn dự bị quan trọng.
Tuy nhiên, đến khoảng 23h này 11/7 (giờ Bắc Kinh), tài khoản Weibo của Báo giải phóng quân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã đăng tải thông báo giải thích về sự việc này.
Tờ này nói đây là "hoạt động diễn tập thường niên" của đội ngũ dân quân dự bị.
"'Có chiến tranh, gọi tất về' - đây là tiếng nói đồng lòng của rất nhiều cựu binh đã giải ngũ chúng tôi", tài khoản này nhấn mạnh.
Đa Chiều cho rằng, hành động này "mang hàm ý vô cùng sâu xa" ngay trước thềm phán quyết của PCA, bởi nó không chỉ chứng minh rằng quân đội Trung Quốc đang thực sự chiêu mộ quân nhân phục viên, chủ yếu là hải quân.
Hơn nữa, khẩu hiệu "Có chiến tranh, gọi tất về" phát đi thông điệp Trung Quốc không ngại đối đấu trên Biển Đông sau phán quyết vụ kiện với Philippines.
Đa Chiều dẫn lời một nguồn tin khác tiết lộ, Bắc Kinh có thể gặp phải kết quả bất lợi sau phán quyết PCA và Mỹ cũng có khả năng dựa vào những quyết định liên quan để tạo ra sự thách thức mới nhằm vào Trung Quốc trên Biển Đông.
Cho đến lúc này, chính phủ Trung Quốc vẫn cứng rắn với lập trường "không tham gia, không chấp nhận" kết quả phán quyết do cho rằng PCA không có thẩm quyền thụ lý vụ án này.
Đồng thời, khi giờ phán quyết càng đến gần, nước này đã dồn dập thể hiện thái độ công kích trên các phương tiện truyền thông đại chúng, gia tăng vận động hành lang, cũng như tổ chức phi pháp cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Soha