Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon |
Theo Kyodo, phát biểu của Tổng thư ký Ban Ki-moon được đưa ra ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ra phán quyết tuyên bố “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với các tài nguyên nằm trong các vùng biển thuộc “đường 9 đoạn””.
“Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình và hòa giải thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc”, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Stephane Dujarric, cho biết.
Cũng theo ông Dujarric, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng các bên cần tránh không thực hiện các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khi nỗ lực theo đuổi các biện pháp hòa bình.
Cũng trong ngày 12/7, sau khi phán quyết của tòa trọng tài chính thức được công bố, quan chức cấp cao của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đồng loạt lên tiếng về sự kiện đặc biệt này.
Australia lên tiếng về phán quyết của tòa
Tờ Philstar dẫn lời Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, Australia kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc của tòa, đồng thời kiềm chế không để xảy ra các động thái gây căn thẳng. Bà Bishop nói rằng phán quyết của tòa là “một phép thử quan trọng cho thấy một khu vực có thể giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình”.
“Australia ủng hộ quyền của các quốc gia tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS”, Ngoại trưởng Australia nhấn mạnh, đồng thời nhận định luật quốc tế là nền tảng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Á.
Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully cũng kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của tòa về quyền hàng hải trên Biển Đông, đồng thời khẳng định việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi hy vọng rằng phán quyết của tòa có thể tạo nền tảng để giải quyết những vấn đề kéo dài và phức tạp trên Biển Đông, đồng thời hối thúc các bên tuân thủ phán quyết này”, Ngoại trưởng McCully nói.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm qua cũng ra thông báo về phán quyết của tòa trọng tài liên quan tới vụ kiện Philippines - Trung Quốc. Là một bên tham gia vào UNCLOS, Ấn Độ hối thúc tất cả các quốc gia là thành viên của UNCLOS tôn trọng công ước quốc tế này vì đây được xem là “hiến pháp của các vùng biển”, thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ viết.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng hối thúc các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời “thực thi các biện pháp kiềm chế trong việc triển khai các hoạt động có thể làm leo thang và phức tạp hóa tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định khu vực”.
“Các tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Thái Lan, Indonesia… cũng đồng loạt bày tỏ quan điểm về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, trong đó kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của tòa, đồng thời tránh đưa ra những tuyên bố hay có những động thái khiêu khích làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Theo Dân Trí