Dù dư thừa xe công, Bộ Công Thương vẫn "mượn" một chiếc Mercedes E250 của Halico và ngày 18/7 đã trả lại dưới sức ép của báo chí. |
Trả vì không dùng đến?
Được biết, chiếc xe Mercedes E250 (năm sản xuất 2009, BKS 30V-1375) trên được giao cho Bộ Công Thương vào tháng 7/2015 theo một hợp đồng "cho mượn". Qua phản ánh của PV trong bài báo ra ngày 18/7, Bộ Công Thương đã trả lại Công ty này với lý do: Ít sử dụng đến (!).
Được biết, khi đặt vấn đề "mượn" chiếc xe trên, vào thời điểm 30/6/2015, Bộ Công Thương nêu:"Văn phòng Bộ đang quản lý và sử dụng một số phương tiện, trong đó có những phương tiện đã quá cũ nát không thể khắc phục để tiếp tục phục vụ công tác được, dẫn đến tình trạng phương tiện phục vụ hoạt động của Bộ rất thiếu". Được biết, sau khi "mượn" về Bộ, xe này chủ yếu được sử dụng trong một số công việc ngoại giao của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, đến ngày hôm qua, chiếc xe được trả lại cho Halico với lý do là:"Ít sử dụng đến". Tuy nhiên, điều khó hiểu là vào thời điểm 2015, tình hình kinh doanh của Halico gặp nhiều khó khăn (cả năm Halico lỗ 21 tỉ đồng, là năm thua lỗ cao nhất từ trước đến nay, sau khi ông Mai Văn Lợi từ Khách sạn Lam Kinh-Thanh Hoá về làm Giám đốc), thì tại sao Bộ Công Thương lại đi mượn xe của DN này?.
Là cơ quan quản lý ngành, lẽ ra Bộ Công Thương phải biết tình hình khó khăn của Halico, hỗ trợ, giúp Halico vượt qua khó khăn chứ không nên khiến DN này phải đem tài sản cho mượn. Trong khi chính Halico trong năm đó, còn phải mua thêm nhiều chiếc xe khác (mặc dù, điều này cũng là một sự lãng phí).
Biên bản giao xe trước đây |
Thêm nhiều bê bối ở Halico
Như trong bài báo trước đã đề cập, tình hình sản xuất, kinh doanh của Halico vốn đã bắt đầu khó khăn từ năm 2014, càng khó khăn hơn từ thời điểm tháng 11/2014 ông Mai Văn Lợi, từ Khách sạn Lam Kinh đang thua lỗ ngập đầu (200 tỷ đồng) để về làm Giám đốc (và từ 15/4/2016 lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị).
Cho dù, có những nguyên nhân khách quan nhất định như chi phí, giá vốn tăng, mức độ cạnh tranh với các hãng rượu nhập ngoại tăng...như Halico giải thích, nhưng một loạt những việc điều hành mang tính chủ quan của ông Mai Văn Lợi đã càng khiến Công ty Cổ phần Halico trở lên khó khăn hơn: Như chi phí tiếp khách bừa bãi, mua sắm nhiều ôtô, liên tục đi công tác nước ngoài, cưỡng ép ban lãnh đạo công ty chuyển 500 triệu đồng cho tỉnh Hậu Giang...
Từ khi ông Mai Văn Lợi về Halico, chế độ chi tiêu của Công ty này thông thoáng hẳn. Chỉ một công văn của Tỉnh uỷ Hậu Giang, ông này đã ép ban giám đốc xuất chi 500 triệu đồng hỗ trợ địa phương (các năm trước chỉ hỗ trợ tối đa 100 triệu và rất chọn lọc) |
Từ khi ông Mai Văn Lợi về Halico, chế độ chi tiêu của Công ty này thông thoáng hẳn. Chỉ một công văn của Tỉnh uỷ Hậu Giang, ông này đã ép ban giám đốc xuất chi 500 triệu đồng hỗ trợ địa phương (các năm trước chỉ hỗ trợ tối đa 100 triệu và rất chọn lọc)
Một loạt các việc điều động nhân sự bất hợp lý: Bổ nhiệm con ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thiếu kinh nghiệm (mới 24 tuổi) vào vị trí Phó phòng Truyền thông và Marketing của Halico; bổ nhiệm con ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Habeco từ nhân viên trợ lý nhãn hiệu 333 (của Sabeco) về làm Trưởng phòng Truyền thông và Marketing, rồi đưa lên làm Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh.
Với tất cả những dấu hiệu về điều hành, quản lý bất hợp lý nêu trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng: Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của Nhà nước, của Bộ Công Thương cần phải vào cuộc, làm rõ, chấn chỉnh lại hoạt động, lề lối điều hành ở Halico.
Với một người từng làm quản lý, để thua lỗ lớn ở một doanh nghiệp như Khách sạn Lam Kinh-Thanh Hoá và sau đó, Khách sạn này buộc phải sáp nhập vào PVC-một tổng công ty cũng đã thua lỗ trên 3.200 tỷ đồng thì việc ông Mai Văn Lợi được đưa về Halico, khiến DN này lại tiếp tục khó khăn, thua lỗ, thực sự là một vấn đề lớn.
Ở đây đã có những biểu hiện trái với việc điều động, bổ nhiệm cán bộ doanh nghiệp nhà nước. Liệu đây có phải là một mắt xích trong phe nhóm lợi ích mà ông Trịnh Xuân Thanh cũng là một nhân vật chủ chốt hay không, đó là điều cơ quan chức năng cần làm rõ.
Theo Dân Trí