Bức tranh hỗn loạn giao thông tại cửa ngõ phía Đông vào TP.HCM. |
Làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đoàn công tác của Quốc hội, Chính phủ, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhiều lần lưu ý tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng về hạ tầng giao thông tại các cửa ngõ thành phố, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn kìm hãm sự phát triển và mối liên kết của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bài 1: Cầu vượt, nút giao “xịn”… gây kẹt xe
Cửa ngõ phía Đông kết nối TP.HCM với các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ được đầu tư xây dựng nhiều công trình hiện đại như cầu vượt, nút giao thông khác mức… Về lý thuyết những công trình này có vai trò làm giảm kẹt xe nhưng thực tế chính các công trình này đang trở thành tác nhân gây ùn tắc giao thông. Tại sao lại có chuyện oái oăm như vậy?
“Đường cong” chết người!
7 giờ 30 sáng 11/7, đầu tuần, người dân từ các tỉnh lân cận đổ về trung tâm TP.HCM khiến xa lộ Hà Nội (XLHN), đoạn từ trạm thu phí đến nút giao thông Cát Lái kẹt cứng. Cầu Rạch Chiếc (nối quận 2 và quận 9) dù đã được đầu tư mở rộng lên 3 nhánh, nhánh giữa dành cho xe 4 bánh nhưng hàng chục xe ben, đầu kéo container xe bồn trộn bê tông phục vụ thi công gói thầu số 2 dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vẫn bất chấp nguy hiểm tràn qua nhánh biên dành cho xe 2-3 bánh. Độ dốc cầu Rạch Chiếc khá lớn. Dưới chân cầu, cả rừng xe máy đang dừng chờ đèn tín hiệu tại nút giao thông Cát Lái.
Lo sợ các “hung thần” mất lái, nhiều người đi xe máy bấm bụng rẽ vào đường nội bộ khu dân cư Giang Văn Minh (quận 2). Ông Nguyễn Quảng (44 tuổi, ngụ phường Phước Bình, quận 9) rùng mình: “Cách đây ba hôm, tầm giờ này, một chiếc đầu kéo container đâm sập dải phân cách bê tông, lùa 4 xe máy vào gầm ngay trước mắt tôi. Tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thường xuyên, kẹt xe càng trầm trọng”.
XLHN ở cửa ngõ phía Đông nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ, khu vực Tây Nguyên và khu vực phía Bắc, miền Trung gần đây thường xảy ra kẹt xe, trong đó “nóng” nhất là đoạn từ Ngã tư MK đến Ngã ba Cát Lái. “Thủ phạm” là nút giao thông Cát Lái, một trong những nút giao hiện đại, khác mức được xây dựng đầu tiên tại TP.HCM. Nút giao Cát Lái gồm ba nhánh cầu (người dân còn gọi là cầu vượt Cát Lái), trong đó hai nhánh nối XLHN với đường Mai Chí Thọ và ngược lại. Nhánh còn lại đang bị “treo” vì đường vành đai chưa thông.
Kể từ khi đưa vào khai thác, gần 10 vụ lật xe đầu kéo container đã xảy ra trên cầu vượt Cát Lái, nhiều lần suýt rơi xuống dòng người đang lưu thông trên XLHN từ khoảng cách gần 10m. TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, thiết kế kỹ thuật gồm nhiều đường cong, khúc cua quá “gắt” của các nhánh cầu vượt là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Và, Sở GTVT buộc các phương tiện lưu thông dưới vận tốc thiết kế (40km/giờ) của công trình để giảm lực ly tâm làm lật xe. Hiện tại, cầu vượt Cát Lái vẫn duy trì biển báo 30km/giờ.
Chôn chân dưới cầu vượt thép
XLHN và cầu vượt Cái Lái lại là huyết mạch của hoạt động lưu thông hàng hóa với cảng Cát Lái (quận 2) chiếm trên 80% lượng hàng hóa container xuất nhập khẩu qua TP.HCM. Ùn tắc bùng phát từ khi thi công gói thầu số 2 (đường trên cao) dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) Bến Thành - Suối Tiên.
Xe 2-3 bánh vào trung tâm TP.HCM khi vừa đổ dốc cầu Rạch Chiếc không được đi đường song hành XLHN, mà phải lưu thông vào làn ôtô được bố trí tạm, tạo ra nút thắt cổ chai. Nhiều xe đầu kéo container thường nối đuôi chậm chạp “bò” lên đường dẫn nhánh cầu A để rẽ vào đường Mai Chí Thọ đã “bịt” lối đi của xe 2-3 bánh.
Xe 2-3 bánh có nhu cầu vào đường Mai Chí Thọ nhưng bị cấm chạy lên cầu, thay vào đó phải đi thêm 1km đến trước tòa nhà Parkson mới được quay đầu càng làm tình trạng ùn ứ tại khu vực cầu vượt Cái Lái trầm trọng hơn. Cách nút giao thông Cát Lái 4km về hướng trung tâm TP.HCM, cầu vượt thép Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) đang gây bức xúc cho người dân vì liên tục kẹt xe.
Sáng 18/7, hàng nghìn người chôn chân dưới cầu vượt Hàng Xanh. Các hướng lưu thông xung đột với nhau và bị tắc nghẽn tại khu vực vòng xoay. Trong khi đó, trên cầu vượt thép rất thông thoáng.
Ông Lê Hữu Mạnh (50 tuổi, lái xe ôm, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết, kể từ khi có công trình chống kẹt xe cấp bách trên, tình trạng ùn tắc không giảm mà còn phức tạp hơn, vì cầu vượt chỉ cho phép ôtô đi thẳng đường Điện Biên Phủ qua giao lộ. Các hướng khác phải lưu thông, chuyển hướng dưới chân cầu vượt. Dòng xe hướng này chưa qua hết giao lộ đã bị hướng khác cắt đuôi, “vây hãm” giữa ngã tư nên “tiến thoái lưỡng nan”.
“Cứ vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối, ngã tư Hàng Xanh lại kẹt xe khủng khiếp. Bà con ở đây nói nếu không làm cầu vượt có khi tốt hơn” – ông Mạnh cho biết.
Nút giao Cát Lái thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây dài hơn 230m, rộng 9m, gồm 2 làn ô tô, độ dốc 4%, độ dốc siêu cao từ 4,98 - 5,59%. Cầu có bán kính đường cong nằm là 150m và 60m. Cầu vượt thép ngã tư Hàng Xanh do Tổng công ty xây dựng Thăng Long thi công dài 390m, rộng 16m, quy mô 4 làn xe ôtô. |
Trên trời cũng kẹt
Ông Đinh La Thăng còn kể, nhiều lần đi công tác, máy bay chở ông lòng vòng trên trời hơn nửa giờ mới đáp được xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay này có công suất thiết kế 22 triệu hành khách/năm gồm hai đường hạ cất cánh. Theo quy hoạch đến năm 2020, Tân Sơn Nhất mới đạt công suất thiết kế. Tuy nhiên, số liệu của Cục Hàng không cho thấy, năm 2015, sân bay này đã đón 24 triệu lượt khách, vượt 2 triệu so với thiết kế. |
Theo Tiền Phong