Làn sóng theo Hillary: Phe Cộng hòa rối loạn vì Donald Trump

Thứ năm, 04/08/2016, 12:36
Trong cùng ngày, nhiều nhân vật ảnh hưởng ở đảng Cộng hòa tuyên bố quay lưng với Donald Trump để bỏ phiếu cho bà Hillary với tinh thần đặt lợi ích quốc gia trên hết.

Ngày 3/8, Hạ nghị sĩ Richard Hanna trở thành nghị sĩ đầu tiên của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ bầu chọn cho nữ ứng viên đảng Dân chủ vì bất mãn với đại diện của chính đảng mình là Donald Trump. "Tôi không trông đợi sự hoàn hảo... Đối với tôi, chỉ lên án những bình luận của Trump là chưa đủ. Ông ấy không xứng đáng để trở thành lãnh đạo của đất nước", thông báo của nghị sĩ Hanna cho biết.

Ông cũng đồng thời tán dương bà Clinton rằng: "Bà ấy đã đấu tranh vì những mục đích cao cả hơn các ý định bản thân trong một thời gian dài, như các chương trình cải cách giáo dục và chăm sóc y tế cho phụ nữ và trẻ em. Tôi tin vào khả năng lãnh đạo của Hillary".

Phá bỏ điều cấm kỵ

Một trong những điều cấm kỵ của đảng Cộng hòa là không được ủng hộ ứng viên của đảng đối thủ. Ông Hanna không tiếp tục tái tranh cử vào năm nay, do vậy tác động từ việc ông ủng hộ Hillary sẽ không lớn so với những nghị sĩ Cộng hòa đương chức khác. Tuy nhiên, tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ứng viên của đảng đối thủ đánh dấu một bước đi xa hơn so với các đồng nghiệp trong Quốc hội.

Ông Hanna là nghị sĩ đầu tiên của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton. Ảnh: CNN

Một trong những "giọt nước tràn ly" khiến ông Hanna đưa ra quyết định ủng hộ Hillary là việc Trump chỉ trích gia đình của Humayun Khan, binh sĩ đã thiệt mạng ở chiến trường Iraq hồi năm 2004.

Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa phải "chữa cháy" hành động này của Trump, như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell... Một số khác cũng chỉ trích những lời nói không đúng mực của vị tỷ phú như Thượng nghị sĩ Mark Kirk và Lindsey Graham... Tuy nhiên, họ đều cẩn trọng không lên án Trump gay gắt, hoặc không thể tuyên bố ủng hộ Hillary.

Sau ông Hanna, tổng giám đốc tập đoàn HP là bà Meg Whitman cũng kêu gọi tất cả đảng viên Cộng hòa hãy tẩy chay Trump vì "quan điểm bất cẩn và không am hiểu về các vấn đề quan trọng". Bà thậm chí khẳng định sẽ ủng hộ nữ cựu ngoại trưởng Mỹ và tham gia giúp gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của của bà Hillary.

"Tôi thấy rất rõ rằng khí chất của bà Hillary, kinh nghiệm trong các vấn đề toàn cầu và sự cam kết với các nền tảng cơ bản của Mỹ khiến bà ấy là sự lựa chọn tốt hơn cho chức tổng thống. Trong một thế giới biến động, Mỹ cần một nhà lãnh đạo ổn định và truyền cảm hứng mà Hillary có thể đem lại", bà Whitman cho biết.

CEO của HP cho biết bà sẽ khuyên những người bạn trong đảng Cộng hòa cùng bỏ phiếu cho bà Clinton. Ảnh: AP

Bà Whitman là một trong những đảng viên ảnh hưởng và cũng là người giúp quyên góp tài chính lớn cho đảng Cộng hòa, tham gia gây quỹ cho chiến dịch tranh cử năm 2012 của ông Mitt Romney, giữ chức chủ tịch ủy ban tài chính trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm nay của Thống đốc Chris Christie... Whitman cũng từng đại diện đảng tranh cử chức Thống đốc bang California (năm 2010) nhưng thất bại.

Từ trước đến nay, Thung lũng Silicon vốn không phải là thành trì của đảng Cộng hòa, và sự phản đối của bà Whitman tiếp tục góp thêm tiếng nói quan trọng vào làn sóng bất mãn với vị tỷ phú của những gương mặt ảnh hưởng trong giới công nghệ. Hồi tháng 7, nhóm gồm khoảng 140 lãnh đạo công ty công nghệ cùng ra tuyên bố phản đối Trump; bao gồm các nhân vật như các nhà sáng lập của Ebay Pierre Omidyar và Twitter Ev Williams.

Bà Clinton: Ngư ông đắc lợi?

Whitman kể trên New York Times rằng chính Hillary đã chủ động gọi điện cho bà cách đây 1 tháng. Động thái này cho thấy ứng viên của đảng Dân chủ đang tìm cách lôi kéo những nhân vật bất mãn trong đảng Cộng hòa. Cơ sở của hành động này dựa vào kinh nghiệm của bà Clinton khi hợp tác với những nghị sĩ ở phe đối lập khi còn là thượng nghị sĩ. Dù thừa nhận những bất đồng với Hillary, bà Whitman nói đã đến lúc đảng Cộng hòa "cần đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích đảng".

Những tranh cãi do Trump gây ra trở thành diễn biến có lợi cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Ảnh: US News

Với hàng lọat những sự ủng hộ các cấp trong đại hội toàn quốc, đảng Dân chủ kỳ vọng chiến dịch tranh cử của bà Clinton sẽ vượt lên sau sự kiện này. Tuy nhiên, những diễn biến có lợi dường như nhiều hơn cả họ kỳ vọng. Trump đang bước vào một trong những tuần tồi tệ nhất suốt chiến dịch của ông.

Sau khi chỉ trích gia đình cựu chiến binh Khan, Trump còn khẳng định hồi đầu tuần rằng sẽ không ủng hộ chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tái tranh cử. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus được cho là "rất thất vọng" trước hành động này.

Đến cả cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, một trong những người ủng hộ Trump nhiệt thành nhất, cũng phải lên tiếng cảnh báo rằng Trump đang tự ném mình vào nguy hiểm và chỉ làm điều có lợi cho Hillary. "Trump đang giúp Hillary chiến thắng bằng việc chứng tỏ mình là người khó được chấp nhận hơn bà ấy", ông nói với Washington Post.

Giữa những rối ren của đảng Cộng hòa, bà Clinton chủ động tránh xa "cuộc nội chiến" này. David Axelrod, cựu cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama, cho rằng bà Clinton tốt nhất là chỉ nên quan sát đối thủ đấu đá với nhau. "Một trong những quy tắc cơ bản của chính trị là khi đối thủ đang tự diệt nhau thì bạn cần tránh xa", ông nói.

Một khảo sát của CNN trong tuần này cho thấy bà Clinton đã vượt mặt Trump trở lại với cách biệt 9 điểm (52% so với 43%). Fox News ngày 3/8 cũng công bố kết quả thăm dò cho kết quả tương tự, với 49% ủng hộ dành cho bà Clinton và 39% dành cho Trump.

Theo Zing

Các tin cũ hơn