Đồ họa mô phỏng nhà máy điện hạt nhân Hinkely Point ở Tây Nam nước Anh (Ảnh: AFP) |
Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với số vốn đầu tư 24 tỷ USD do tập đoàn năng lượng EDF của Pháp làm chủ đầu tư. Dự án được Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) rót 33% vốn và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cựu Thủ tướng Anh David Cameron.
Nhưng trong một động thái bất ngờ, chính phủ mới của Anh tuần trước đã tuyên bố tạm dừng phê chuẩn dự án cho tới khi ra cho tới khi ra quyết định chính thức vào mùa thu năm nay, nói rằng chính phủ cần thêm thời gian để đánh giá lại dự án.
Nếu dự án bị tân Thủ tướng Anh Theresa May và nội các của bà bác bỏ, điều này đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc đánh mất cơ hội hiếm hoi nhằm lần đầu tiên khoe một nhà máy điện hạt nhân do Trung Quốc thiết kế và xây dựng tại một quốc gia phát triển.
“Ảnh hưởng tức thì sẽ không lớn vì Trung Quốc chỉ là một trong những nhà đầu tư của dự án Hinkley Point và các công ty Trung Quốc nằm trong số nhiều nhà thầu nhỏ trong quá trình xây dựng”, Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Xiamen, nói.
“Nhưng nó sẽ là một cú giáng đối với chiến lược vươn mình của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân nói chung của Trung Quốc, đặc biệt tại các quốc gia phát triển”, tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời ông Lin.
Theo một thỏa thuận đầu tư sơ bộ được ký kết hồi tháng 10 năm ngoái, sự đầu tư của các công ty Trung Quốc tại nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point có thể mở ra khả năng Trung Quốc có thể thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ 2 trong tương lai tại Bradwell, Essex, Đông Nam nước Anh.
Nhà máy thứ 2 được kỳ vọng có thể sử dụng công nghệ điện hạt nhân thế hệ 3 “Hualong 1” do Trung Quốc tự nghiên cứu, vốn đang được quảng bá ra nước ngoài thông qua một liên doanh tiếp thị giữa hai hãng phát triển lò phản ứng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước là Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) và Công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC).
Hu Xinmin, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn công nghiệp điện Lantau Group, cho hay mặc dù các công ty Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận ban đầu nhằm thiết kế các dự án tại các quốc gia đang phát triển như Pakistan, Argentina và Romania nhưng dự án tại một quốc gia phát triển như Anh sẽ giúp Trung Quốc chứng minh năng lực hạt nhân.
Các lo ngại về an ninh
Hinkley Point dự kiến sẽ là nhà máy điện hạt nhân mới đầu tiên được xây dựng tại Anh trong 20 năm qua. Chính phủ của cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng nói rằng đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Anh được xây dựng không bằng thuế của dân và có thể tạo ra 25.000 việc làm.
Chính phủ của ông Cameron khẳng định vào thời điểm đó rằng nhà máy, có khả năng cung cấp 7% nhu cầu điện năng của Anh, cũng có thể là “một thỏa thuận tuyệt vời” cho các khách hàng Anh.
Tuy nhiên, dự án lại bị chỉ trích là quá tốn kém đối với các khách hàng do giá bán buôn điện hiện thời, trong đó có các năng lượng sạch khác như gió và năng lượng mặt trời, thấp hơn nhiều so với giá đề xuất của điện sản sinh từ dự án.
Ông Hu cho hay so với những năm trước khi Hinkley Point được lên kế hoạch, năng lượng gió và mặt trời giờ đây đã trở nên cạnh tranh hơn nhiều về giá và dễ dàng được hấp thụ bởi các hệ thống lưới điện nhờ các công nghệ lưới điện thông minh.
Theo BBC, nguyên nhân chính của việc hoãn dự án là các vấn đề an ninh liên quan tới quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các nhà máy hạt nhân của Anh.
Telegraph dẫn lời cựu quan chức tài chính Vince Cable nói rằng Thủ tướng May từ lâu đã có những lo ngại an ninh về sự tham gia của Trung Quốc trong dự án Hinkley Point, trong khi Guardian dẫn lời ông Cable rằng bà May không hài lòng về thái độ “hoan hỉ” của cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đối với nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Dù ngạc nhiên nhưng CGN cho biết trên trang tiểu blog chính thức rằng công ty hiểu rằng chính phủ mới của Anh cần có thời gian để làm quen với dự án. CGN đang nhắm tới các cơ hội xây dựng các nhà máy hạt nhân tại 13 quốc gia tại Đông Nam Á, Đông Âu và châu Phi.
Theo Dân Trí