Ngư dân đã ra khơi
Bãi tắm Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm” với bờ cát dài trắng mịn, có những mũi đất nhô ra tạo thành hình dáng như chiếc lược. Bãi tắm Cửa Tùng là một trong những bãi tắm đẹp của vùng Bắc Trung Bộ, nơi có nhiều hải sản như tôm, cá, sứa, mực... Trung bình mỗi năm, hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến nơi đây tham quan, nghỉ dưỡng.
Du khách đã tắm biển trở lại ở bãi tắm Cửa Tùng |
Nhưng từ sau đợt cá chết hàng loạt vào đầu tháng 4 vừa qua, toàn bộ các ngành nghề liên quan đến dịch vụ biển đều điêu đứng. Chị Lê Thị Hương (45 tuổi), một chủ quán bán hải sản ở bãi tắm Cửa Tùng, thuê quầy bán tôm, cua, cá... hơn 2 năm nay, cho biết nếu như ở thời điểm này năm trước,khách thập phương ghé vào quán chị tấp nập, “sợ không đủ sức phục vụ” thì nay lượng khách về bãi tắm Cửa Tùng đã giảm đi nhiều. Và dù chính quyền miễn thuế nhưng chị không vui nổi vì buôn bán ế ẩm quá.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh), thị trấn Cửa Tùng hiện có tổng số 141 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản với tổng công suất 3.728 CV, trong đó có 34 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 33 CV – 200 CV. Từ sau khi cá chết, các tàu đánh bắt xa bờ vẫn hoạt động bình thường, chỉ có ngư dân đánh bắt gần bờ là chịu thiệt hại nặng nhất.
Gặp chúng tôi trong lúc đang tu sửa lại con thuyền nhỏ 8CV của mình, ngư dân Dương Đức Duy (45 tuổi) ở thôn Cang Gían, xã Trung Giang (Gio Linh) chia sẻ: “Hơn 2 tháng nay, hàng chục ngư dân trong thôn rất ít người ra khơi vì sản lượng cá đánh bắt được ít hơn, giá bán cũng thấp hơn trước rất nhiều. Cá đánh bắt về không ai dám mua nên chúng tôi đành bán cho nhà máy chế biến tinh bột cá với giá 5-6 ngàn đồng/kg”.
Toàn thôn Cang Gián hiện có 84 chiếc thuyền, thúng máy. Thời gian này đang là mùa đánh bắt cá trích, cá nục nhưng chỉ những ai nhớ biển quá mới dong thuyền hướng ra biển. Còn lại, những người đàn ông có sức khỏe nơi đây đều đi làm thuê, làm mướn bằng nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống gia đình.
Ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang, cho biết: “Vì là xã bãi ngang, ngư dân chỉ đánh bắt thủy sản gần bờ là chính nên từ sau đợt cá chết hàng loạt, họ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết ngư dân trong xã đều đã đi làm thuê các nghề như phụ thợ nề, hái cà phê, cạo mủ cao su thuê, đi hấp cá thuê… ở trong hoặc ngoài tỉnh".
Cái khó ló cái khôn
Tuy buôn bán ế ẩm, nhưng chị chủ quán hải sản Lê Thị Hương vẫn tìm cách xoay trở: “Vài tháng nay, chỉ có khách địa phương và một vài khách “ruột” của quán tôi từ Hà Nội vào là dám tắm biển. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách, tôi chuyển từ các mặt hàng hải sản sang bán thịt dê, gà, cua đá, thịt rừng và cá nước ngọt…”. Cách nay 2 tuần, người tắm biển đã nhiều hơn và cũng có vài người hỏi thực đơn về hải sản, cơ hội trở lại buôn bán hải sản của chị Hương đang nhen nhóm.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh), vài tuần trở lại đây, nhiều ngư dân trong vùng đã ra khơi đánh bắt thủy sản mặc dù giá cả vẫn thấp. Đang là mùa câu cá nục, cá xanh… nên nhiều ngư dân trong vùng đã mạnh dạn ra khơi. Các quán sá, nhà hàng hành nghề dịch vụ du lịch biển cũng đã hoạt động bình thường trở lại, không còn đóng cửa im ỉm như trước.
Ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang cho biết thêm: " Tuy khó khăn nhưng vẫn còn một số hộ quyết tâm bám biển. Để giúp đỡ ngư dân trong địa phương, UBND xã đã có chính sách, hỗ trợ, động viên người dân bằng tinh thần và vật chất. Tuy không thể bù đắp được những tổn thất của ngư dân thời gian qua nhưng cũng làm họ ấm lòng, tin tưởng chờ đợi vào ngày mai để tiếp tục ra khơi, giữ nghề truyền thống”.
Rời xã bãi ngang Trung Giang, chúng tôi chạy dọc tuyến đường phòng hộ ven biển được trải nhựa phẳng lỳ để tìm về xã Gio Việt, nơi hàng chục lò hấp, sấy cá đang hoạt động hết công suất. Trên địa bàn xã Gio Việt có 79 lò hấp sấy cá và 17 kho đông lạnh. Những lò hấp, sấy cá này tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương. Hiện tại, đang là mùa cao điểm của hấp cá nên giờ đi ra đường, đâu đâu cũng thấy từng vỉ cá hấp tươi chong được trải đều trên những viên bờ lô. Bên cạnh đó, những con tàu đánh bắt xa bờ ở địa phương cũng hoạt động liên tục để cung cấp cá tươi cho các lò hấp, sấy.
Nhiều ngư dân Quảng Trị đã ra khơi đánh bắt thủy sản |
Chúng tôi gặp chị Lê Thị Vinh (56 tuổi), một chủ lò hấp cá ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt trong lúc chị đang hướng dẫn công nhân xếp cá vào thùng giấy để đóng gói xuất xưởng. Chị Vinh cho hay, mỗi ngày lò hấp cá của chị thu mua từ 4-5 tấn cá nục tươi từ các tàu đánh bắt xa bờ ở địa phương và cả các tàu cá của Huế, Quảng Ngãi. Mỗi lô hàng, từ khâu hấp cá đến khâu đóng gói sản phẩm chỉ trong vòng 2 ngày là có thể xuất bán được. Cá sau khi hấp được đóng gói cẩn thận vào thùng giấy rồi bán theo chất lượng thành phẩm.
Cụ thể, loại cá khô có chất lượng cao được tước lấy phần thịt, loại bỏ xương (hoặc vạt đầu) được bán với giá từ 51-54 ngàn đồng/kg, cá để nguyên đầu được bán với giá từ 40-41 ngàn đồng/kg. Cá khô sau khi hấp, phơi sẽ được bán cho các chủ vựa (là chủ các kho đông lạnh) rồi những chủ vựa này liên hệ trực tiếp với các thương lái người Trung Quốc để giao dịch và xuất bán. Chị Vinh còn cho biết thêm: “Lò hấp của tôi đã mở được hơn 5 năm nay và giải quyết việc làm cho 12 lao động cố định trong và ngoài địa phương”.
Mới đây UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường với một số mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2020 tỉnh Quảng Trị sẽ chuyển đổi 50% tàu cá hiện có khai thác công suất từ dưới 20 CV đến dưới 90 CV lên công suất trên 90 CV và đóng mới 100 tàu cá công suất 90 CV trở lên được đảm bảo khai thác trung bờ và xa bờ. Chuyển đổi nghề cho người dân khai thác ven bờ sang khai thác trung và xa bờ, nuôi trồng thủy sản...
Theo NLĐ