Theo Reuters, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng một cơ cấu mới trong các LLVT và sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất. “Với cơ cấu mới, tôi tin các LLVT sẽ có một “dòng máu” mới”, ông Erdogan tuyên bố.
Chỉ ít ngày sau cuộc đảo chính, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước đi cứng rắn đầu tiên nhằm làm thay đổi cơ cấu cũng như vai trò của quân đội nước này, trước khi Tổng thống Erdogan ban hành sắc lệnh cải tổ các LLVT vào ngày 31-7 vừa qua.
Sau đảo chính, quân đội đã mất quyền kiểm soát lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng hiến binh. Hai lực lượng này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang xúc tiến chiến dịch loại bỏ các nhân vật trong LLVT bị tình nghi tham gia vụ đảo chính. Hội đồng Quân sự tối cao (YAS) đã đưa ra quyết định về những thay đổi nhân sự cần thiết hậu đảo chính, theo đó các quan chức quân đội cấp thấp sẽ được thăng chức để lấp đầy chỗ trống ở các vị trí cấp cao.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ những nhân vật tình nghi có liên quan đến đảo chính. Ảnh: Reuters |
Quân đội nước này khẳng định, chỉ một số lượng nhỏ tham gia cuộc đảo chính, song có tới 178 tướng lĩnh bị bắt giữ và 151 người trong số này đang phải ngồi tù, chiếm gần một nửa trong số 358 tướng lĩnh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo sắc lệnh cải tổ, quá trình tái cơ cấu sẽ đặt trực tiếp dưới sự giám sát của YAS. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ bổ sung các Phó thủ tướng và Bộ trưởng Nội các vào YAS. Theo đó, Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Nội vụ và Ngoại giao sẽ trở thành thành viên của YAS. Trước đây, chỉ có Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng quân đội nắm quyền ở Hội đồng quyền lực này.
Sắc lệnh cải tổ của ông Erdogan còn cho phép Tổng thống và Thủ tướng có quyền ra lệnh trực tiếp cho các tư lệnh lục quân, không quân và hải quân. Tư lệnh các quân, binh chủng sẽ chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng.
Các học viện quân sự cũng bị đóng cửa, thay vào đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành lập Trường đại học Tổng hợp quân sự. Đây cũng là loạt động thái mới nhất mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thực hiện, nhằm hạn chế quyền lực của các lực lượng vũ trang nước này hậu đảo chính.
Những thay đổi trong cơ cấu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đều nhằm mục đích giúp Tổng thống Erdogan tăng cường kiểm soát quân đội và từng bước hiện thực hóa tham vọng thâu tóm quyền lực mà ông theo đuổi từ khi lên nắm quyền.
Ông Erdogan còn cho biết ông muốn thay đổi hiến pháp để đặt cơ quan tình báo và Tổng Tham mưu trưởng quân đội trực tiếp nằm dưới sự điều hành và kiểm soát của Tổng thống. Ông cho biết chuẩn bị trình Quốc hội một kế hoạch sửa đổi hiến pháp nhỏ, mà nếu được thông qua, Tổ chức Tình báo quốc gia (MIT) và Tổng Tham mưu trưởng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Tổng thống. Chính phủ sẽ cần nhận được sự ủng hộ từ các đảng phái đối lập nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi này.
Trong cuộc đảo chính bất thành vừa qua, ông Erdogan đã không hài lòng với lực lượng tình báo. Ông chỉ trích sự yếu kém của lực lượng này đã để giới cầm quyền bị bất ngờ khi xảy ra đảo chính.
Ông bày tỏ sự không hài lòng với những thông tin nhận được từ MIT và chỉ huy cơ quan này trong đêm xảy ra đảo chính. Tổng thống Erdogan cho rằng, thời gian quý báu đã bị bỏ lỡ và “thật đáng tiếc là trong toàn bộ vấn đề này có sự yếu kém nghiêm trọng của lực lượng tình báo”.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, cũng là con rể ông Erdogan, cho biết, những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen được cho là chủ mưu vụ đảo chính, đã thâm nhập thành công vào LLVT. Chính quyền từng có kế hoạch thanh trừng những đối tượng này từ trước khi đảo chính diễn ra. Ông Berat Albayrakcòn cho biết thêm, đặc biệt trong hàng ngũ tướng lĩnh tồn tại rất nhiều vấn đề lớn.
Những động thái hậu đảo chính trên đây của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc cải tổ quân đội, được chính quyền Ankara hy vọng sẽ giúp quân đội nước này trở nên đáng tin cậy và hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc này gây lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper tuyên bố, cuộc thanh lọc lực lượng trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ làm ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa nước này và Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ khả năng trên. Nhưng sự thực là từ khi xảy ra cuộc đảo chính mới đây ở nước này, các cuộc không kích của liên quân chống IS đang phải tạm hoãn. Hoạt động của căn cứ quân sự Incirlik ở Adana (Thổ Nhĩ Kỳ) mà Mỹ và NATO đang sử dụng để tấn công IS cũng đã bị ảnh hưởng bởi chiến dịch thanh lọc của Ankara.
Hôm 31-7 mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai 7.000 cảnh sát và xe tải hạng nặng đến bao quanh và chặn mọi hoạt động ra vào căn cứ không quân này. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Omer Celik đã xoa dịu tình hình bằng cách thông báo trên Twitter rằng, đây chỉ là cuộc thanh tra an ninh bình thường. Động thái này diễn ra khi có thông tin trên báo Hurriyet cho biết, lực lượng chống khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được thông tin có một cuộc đảo chính thứ hai do những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen thực hiện.
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân