Dựng thảm cảnh đường phố kiếm bạc triệu hoài sao?

Thứ ba, 02/08/2016, 10:55
Hình ảnh một cô gái quỳ ngay lòng đường xin tiền nhiều ngày trên đường phố Sài Gòn khiến hàng trăm bạn đọc bức xúc. Cơ quan chức năng xử sao kẻ giả bệnh tật, khó khăn để xin tiền? 
Người phụ nữ trẻ quỳ xin tiền hàng đêm ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, ngay vạch đậu xe. Ảnh chụp 0g sáng 31-7

Trường hợp người phụ nữ trẻ quỳ xin tiền giữa đường phố Sài Gòn mỗi tháng kiếm được khoảng 30-40 triệu đồng làm nhiều người phẫn nộ.

Nhiều người đặt vấn đề về công tác quản lý của chính quyền TP.HCM, tại sao sau bao nhiêu năm, bao nhiêu chỉ thị, kế hoạch, quyết định đã được đề ra, cách đây 2 năm cũng đã có một đợt ra quân hùng hậu nhằm giải quyết vấn đề này nhưng sao vấn nạn ăn xin vẫn còn nhức nhối?

Phải chăng nên có cách giải quyết triệt để và quyết liệt hơn?

Quản lý những người lừa đảo xin tiền bằng dữ liệu

Theo TS Ôn Tuấn Bảo, nguyên vụ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cơ quan quản lý chưa có các phương thức hiệu quả như tạo công ăn việc làm hoặc có những hình thưc trợ cấp, xây dựng trung tâm bảo trợ để giúp đỡ những đối tượng nghèo khó, người có hoàn cảnh khó khăn, người không có nguồn thu nhập ổn định, khiến họ phải đi cầu cứu lòng từ thiện của người khác.

Điều này dẫn đến việc một số đối tượng lợi dụng để làm lợi cho bản thân, dù khỏe mạnh nhưng vẫn đóng kịch, giả bệnh tật, giả thương tích, cột tay cột chân, vẽ vời ghẻ lở lên mặt mũi để xin tiền người khác.

“Sở LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi và quản lý những đối tượng này, đồng thời có trách nhiệm theo dõi, quản lý và cập nhật thường xuyên, tránh trường hợp họ đi hết địa phương này đến địa phương khác để lừa đảo.

Trước hết có thể tạo công ăn việc làm, thuyết phục họ làm ăn lương thiện. Nếu họ vẫn tiếp tục các hành vi giả bệnh để xin tiền thì có thể xử phạt hành chính hoặc buộc lao động công ích,…” - TS Ôn Tuấn Bảo đề xuất.

Nhiều tuyến đường tại TP.HCM vào buổi tối xuất hiện liên tiếp các trường hợp người ăn xin, ngủ lang thang.

Có cả lỗi của người cho tiền

Theo TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), những kẻ làm ra vẻ mình yếu thế để khơi gợi lòng trắc ẩn của cộng đồng đã vứt bỏ lòng tự trọng và sĩ diện tối thiểu của bản thân.

“Họ không cần là người lương thiện, là người lành mạnh, trong sáng, họ chấp nhận việc bị người khác khinh thường chỉ để kiếm được nhiều tiền. Nhiều trường hợp thậm chí còn chế giễu ngược lại những người đã bố thí cho họ, hả hê khi mình lừa được nhiều người. Đấy là những hiện tượng lệch chuẩn méo mó của xã hội.

Những hiện tượng như thế này làm rất nhiều người phẫn nộ vì tình thương của mình bị đặt nhầm chỗ, trở nên cảnh giác và mất lòng tin đối với những trường hợp thương tâm thật sự, không sẵn sàng vị tha, không sẵn sàng thiện nguyện nữa. Điều này rất nguy hiểm” - TS Trịnh Hòa Bình nhận xét.

TS Trịnh Hòa Bình cho rằng chính người cho tiền cũng chịu một phần trách nhiệm trong việc vô tình dung dưỡng cho những hiện tượng xấu.

“Xã hội phương Đông thường có xu hướng mủi lòng, vị tha trước những hoàn cảnh khó khăn, vì thế thường có tâm lý “thà cho nhầm còn hơn không cho”, cho để bản thân đỡ cảm thấy tội lỗi” - TS Trịnh Hòa Bình nói.

Tuy nhiên, ông Trịnh Hòa Bình cũng nhấn mạnh vấn đề thật sự nằm ở công tác quản lý xã hội chưa tốt chứ không thế đem hết trách nhiệm quy cho người dân.

“Các cơ quan quản lý dường như còn những mối quan tâm khác lớn hơn nên chưa có biện pháp triệt để cho những vấn nạn này” - ông Bình nói.

Người nằm bên đường, vừa bán vé số, vừa xin ăn.

Tăng cường chính sách bảo trợ xã hội

Theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người - Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, không thể có một giải pháp “mầu nhiệm” để chấm dứt nạn ăn xin chỉ trong một đêm mà cần kết hợp nhiều giải pháp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, có tầm chiến lược, cả về chính sách lẫn về cơ chế.

Trước mắt, cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và xã hội về vấn nạn này. Khuyến khích người dân không bố thí vô tội vạ, không đúng người, không đúng chỗ, không đúng lúc.

Tiếp theo, nên tăng cường quản lý địa bàn, không cho phép ăn xin và bố thí bừa bãi, nhất là với các đối tượng lười biếng lao động, không có lòng tự trọng, đầu cơ lòng tốt của người dân.

Đi kèm với những biện pháp trên là nâng cao đời sống của những người có hoàn cảnh khó khăn hay khuyết tật, tạo điều kiện để họ vươn lên hoà nhập cộng đồng. Cần đổi mới tư duy về chính sách xã hội, trong đó có bảo trợ xã hội.

Bàn luận về vấn đề này, TS Ôn Tuấn Bảo cho rằng nhà nước chắc chắn không có nguồn ngân sách lớn để giải quyết rốt ráo vấn đề này, vì thế có thể kết hợp giữa chính sách bảo trợ của nhà nước và những tấm lòng hảo tâm trong xã hội để tạo điều kiện cho những mảnh đời bất hạnh.

Theo ông Trịnh Hòa Bình, việc giải quyết nạn ăn xin là khó khăn, nhưng không phải vì thế mà chính quyền không có sự nỗ lực kịp thời.

Dẫn chứng cho điều này, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng những thành công bước đầu của TP.Đà Nẵng trong việc dẹp tệ nạn ăn xin là tấm gương để các thành phố khác noi theo.

"Xin tiền" sòng phẳng ở nước ngoài

Theo TS Trịnh Hòa Bình, ở những xã hội duy lý, người ta không dễ mủi lòng cho tiền người ăn xin.

Cho nên người “ăn xin” ở những nơi này thường biểu diễn nhạc cụ, hát múa, diễn hài, làm ảo thuật,... để nhận tiền của người đi đường một cách chính đáng.

"Họ quan niệm về tiền bạc rất sòng phẳng, có cho đi có nhận lại, khi "xin" họ cũng rất văn minh và kiêu hãnh chứ không vái lạy hay tỏ ra đáng thương để đánh vào lòng trắc ẩn, phụ thuộc vào sự ban ơn của cộng đồng" - ông Trịnh Hòa Bình nói.

Theo TTO

Các tin cũ hơn