Nhiều tuyến đường tại TP.HCM vào buổi tối xuất hiện liên tiếp các trường hợp người ăn xin, ngủ lang thang |
Bởi đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo TP đặt ra yêu cầu này. Năm 1997, UBND TP đã ra chỉ thị 44 nhằm giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn TP.
Tháng 5-2009, một kế hoạch với 8 nội dung thực hiện cũng được UBND TP ban hành kèm theo quyết định số 2606/QĐ-UBND nhằm giải quyết thực trạng trên.
Mới đây, vào tháng 12-2014, TP.HCM đã mở đợt ra quân đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Mục tiêu đề ra là trước Tết Nguyên đán 2015, TP cơ bản không còn người ăn xin.
Tuy nhiên, hơn một năm sau, hằng ngày, người dân TP.HCM vẫn bắt gặp cảnh người lớn lẫn trẻ em ngồi xin ăn tại nhiều góc đường.
TP.HCM cần nỗ lực gấp nhiều lần
Bộ LĐ-TB&XH từng nhiều lần gửi công văn đến các tỉnh, thành phố yêu cầu lên danh sách, tập trung người lang thang, xin ăn vào các trung tâm bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, nhiều địa phương trong đó có TP.HCM chỉ thực hiện theo từng chiến dịch hoặc dịp gần lễ, tết. Đà Nẵng là địa phương duy nhất triển khai quyết liệt.
Chị Thu Hồng (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng: “TP cần có phương án để duy trì các biện pháp, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, làm vài đợt rồi thôi nên cứ tái diễn lại, không hiệu quả”.
Bạn đọc Lê Nguyên cho rằng Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và lãnh đạo TP cũng như lãnh đạo các quận, huyện phải đồng lòng, quyết tâm, “nói đi đôi với làm” thì mới giải quyết được tình hình.
Anh Tuấn Trung (Q.8, TP.HCM) nhận xét: “TP.HCM có quy mô đô thị lớn hơn và phức tạp hơn nhiều so với Đà Nẵng cũng như các địa phương khác. Vì vậy, nếu các địa phương khác phải cố gắng một thì lãnh đạo và người dân TP.HCM phải nỗ lực gấp nhiều lần”.
Khó tập trung người ăn xin
Ths Xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết mỗi quận huyện trong TP lại có sự phát triển về kinh tế, văn hóa khác nhau. Một quận có thể tương đương một đô thị ở các địa phương khác.
Bà Thúy cho rằng: “Cơ hội kiếm tiền của người ăn xin ở TP.HCM rất cao. Nhiều người ăn xin có rất nhiều tiền. Do vậy, mối lợi sẽ hấp dẫn những người lười lao động vào TP.HCM xin ăn”.
Khẳng định các năm qua TP đã có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng người xin ăn tràn lan, ông Phạm Đức Trung - phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Thủ Đức (TP.HCM) thừa nhận vẫn chưa giải quyết căn cơ vấn đề.
Theo ông Trung, rất nhiều trường hợp sau khi được hỗ trợ dạy nghề, đưa về địa phương lại trở về nghề cũ vì thích nhàn nhã. Việc tập trung người xin ăn vì thế cứ luẩn quẩn.
TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng, TP là địa phương rất phát triển nên ngoài những đối tượng giả dạng ăn xin, có rất nhiều người khó khăn thật sự lẫn người từ các nước lân cận như Campuchia đổ về để lang thang kiếm sống hoặc xin ăn.
Xét về tâm lý, bên cạnh những đối tượng cảm thấy hài lòng khi được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học nghề, nhiều người lại cảm thấy gò bó, tìm cách trở lại cuộc sống bên ngoài và hành nghề cũ.
TS Hồng Quân cho biết hiện nay, nhiều người ăn xin giả dạng bán tăm bông, vé số nên việc phát hiện và quản lý thật sự khó khăn.
Người nằm bên đường, vừa bán vé số, vừa xin ăn |
Khó nhưng không phải không thể
ThS Phạm Thị Thúy cho rằng công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người lang thang, xin ăn thời gian qua thực hiện chưa sát sao.
“Đồng ý là chúng ta đã đào tạo nghề cho họ nhưng có đảm bảo rằng họ xin được việc làm và sống được bằng nghề đã đào tạo không? Hay đào tạo xong thì một thời gian sau họ phải trở lại nghề cũ?”, bà Thúy đặt vấn đề.
Theo bà Thúy, số người lười lao động để xin ăn là rất ít. Ai cũng có lòng tự trọng, chỉ khi nào họ cùng đường, không có điều kiện làm việc thì mới phải xin ăn.
TS xã hội học Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) cho rằng: “Chúng ta có đủ điều kiện để xây dựng những trung tâm, khu an sinh, hỗ trợ người lang thang, ăn xin bền vững”.
Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh, đây không là câu chuyện ngày một ngày hai nhưng khó khăn không phải không thực hiện được. Từ trước đến nay, chưa có việc nào chúng ta làm đến nơi đến chốn do sự khác biệt giữa lời nói, chỉ đạo đến các giải pháp thực hiện và sự làm theo của toàn hệ thống chính trị.
Nói đến quản lý người lang thang, xin ăn là nói đến sự đồng bộ, nghiêm túc và quyết liệt trong thực hiện. Muốn họ không ăn xin thì phải an sinh họ, tức là cơ quan ban ngành còn phải nghĩ đến cả gia đình và các mối quan hệ xã hội của họ…
“Bằng sự quyết liệt của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng cơ quan ban ngành và người dân, tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết được vấn nạn này”- ông Bình khẳng định.
Nhiều đề xuất nhằm quản lý người lang thang, ăn xin Một phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM cho biết với chỉ đạo của lãnh đạo TP về việc gom người ăn xin, lang thang ở những quận trung TP, UBND Q.1 kiến nghị có qui định chặt chẽ hơn về việc bảo lãnh những đối tượng này ra khỏi trung tâm bảo trợ. Thời gian qua, nhiều người ăn xin, lang thang được vào trung tâm bảo trợ xã hội một thời gian thì được bảo lãnh ra ngoài rồi tiếp tục quay lại con đường cũ và họ tiếp tục đi ăn xin. Ông Phạm Đức Trung - phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Thủ Đức (TP.HCM) cho rằng việc lắp camera quản lý sẽ có hiệu quả hơn trong công tác quản lý người ăn xin. Ngoài ghi nhận, theo dõi người xin ăn, camera còn có thể theo dõi tình hình an ninh trật tự, ma túy, mại dâm. Hiện nay, tại một số phường, xã việc lắp đặt camera được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. |
Đà Nẵng: Đưa người ăn xin về các trung tâm thường xuyên, liên tục Từ cuối năm 2000, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biền pháp nhằm thực hiện đề án Không có người lang thang ăn xin. Theo đó, ngành LĐ-TB&XH Đà Nẵng phối hợp với Công an thành phố tổ chức tập trung người lang thang, xin ăn thường xuyên và liên tục: Giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường công tác đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, trọng tâm là đối tượng từ các địa phương khác đến tạm trú; tăng cường lực lượng dân phòng, thanh niên xung kích, công an bảo vệ ở những nơi công cộng, đặc biệt vào ban đêm; thực hiện chế độ thưởng tiền cho người dân tham gia phát hiện, giữ đối tượng và thông báo về đường dây nóng; phối hợp liên tịch giải quyết với các tỉnh lân cận… Lãnh đạo thành phố còn tổ chức gặp mặt, đối thoại để thuyết phục các đối tượng này. |
Theo TTO