TS Nguyễn Sĩ Dũng. |
Không quá to tát nhưng hợp lòng dân
Sau khi được phân công nhiệm vụ, hai Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có những phát ngôn, hành động gần dân, sát dân, được người dân tin tưởng, ủng hộ. Ông bình luận, đánh giá gì về những việc hai tân Bí thư đã làm từ khi nhậm chức đến nay?
Những việc hai tân Bí thư Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng đã làm từ khi nhậm chức đến nay không phải là những việc gì quá to tát, nhưng lại là những việc hợp lòng dân. Đó là sự gắn bó, sự lắng nghe và sự chia sẻ - những biểu hiện có thể cảm nhận được của điều to tát hơn mà chúng ta gọi là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Những việc như vậy rất cần trong bối cảnh, nền quan chế đang có biểu hiện trượt dài vào nạn tham nhũng, cửa quyền và hách dịch.
Sự gắn bó, lắng nghe và chia sẻ có thể định hình xu hướng hành động cho cả nhiệm kỳ của hai tân Bí thư Hoàng Trung Hải và Đinh La Thăng. Mà như vậy thì một nền quản trị nhắm vào việc phụng sự nhân dân có nhiều hy vọng sẽ được thúc đẩy tại hai thành phố lớn nhất và quan trọng nhất của đất nước chúng ta.
Sự gắn bó, lắng nghe và chia sẻ cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng hình ảnh công chúng tốt đẹp cho hai vị lãnh đạo có thể nói là khá trẻ tuổi. Với một hình ảnh công chúng tích cực, thông điệp của họ sẽ đến với người dân của hai thành phố nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đầu năm mới, ông Hoàng Trung Hải đã đi cày cùng người dân. Nhiều người đánh giá cao và cho đây là một hành động gần dân, sát dân, song cũng có ý kiến cho rằng, hành động trên là cách làm hình ảnh. Còn ông thấy sao về việc làm này của tân Bí thư Hoàng Trung Hải?
Trong một xã hội ngày càng dân chủ, cởi mở, những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Có người thậm chí còn nhận xét: “Cày cấy đâu phải là chuyện đặc trưng cho Thủ đô”. Nhận xét như vậy không phải là không có lý. Thế nhưng, nhìn từ một góc độ khác, chúng ta cũng không nên quên rằng sau khi nhập Hà Tây và một huyện của Vĩnh Phúc, một số xã của Hòa Bình vào Hà Nội, thì Thủ đô đang là thành phố có số lượng nông dân đông nhất nước.
Ngoài ra, Lễ tịch điền, Lễ xuống đồng… là một nét văn hóa truyền thống. Chuyện cày cấy ở đây không chỉ là cày cấy mà còn là nghi lễ để khởi đầu cho một năm làm ăn và phấn đấu. Với ý nghĩa như vậy thì sự tham gia của người đứng đầu thành phố là hoàn toàn hợp lý.
“Sự gắn bó, lắng nghe và chia sẻ cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng hình ảnh công chúng tốt đẹp cho hai vị lãnh đạo có thể nói là khá trẻ tuổi. Với một hình ảnh công chúng tích cực, thông điệp của họ sẽ đến với người dân của hai thành phố nhanh chóng và dễ dàng hơn”.
TS Nguyễn Sĩ Dũng |
Còn chuyện làm hình ảnh, thì ý kiến của tôi thế này: Làm chính khách thì phải biết xây dựng hình ảnh công chúng của mình. Không biết xây dựng hình ảnh công chúng thì đừng làm chính khách. Thiếu một hình ảnh công chúng tốt đẹp, bạn sẽ rất khó lãnh đạo. Đơn giản là vì bạn nói chẳng ai nghe, thậm chí thông điệp của bạn còn bị hiểu méo mó đi hoặc hiểu ngược lại. Tất nhiên, xây dựng hình ảnh công chúng thì phải nhất quán với những gì bạn có trong tim.
Cũng có ý kiến cho rằng, một số việc làm của ông Đinh La Thăng có phần lấn át sang vai trò, nhiệm vụ của chính quyền. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Tôi cho rằng việc phân định rạch ròi về chức năng giữa Đảng và chính quyền trong mô hình của chúng ta (mô hình Xô Viết hay các học giả khoa học chính trị còn gọi là mô hình Nhà nước Đảng) quả là điều không dễ. Ở cấp Trung ương, một sự phân định như vậy đã khó, ở cấp địa phương càng khó hơn. Thật ra, ở cấp địa phương, thường vụ tỉnh ủy, thành ủy sẽ đóng vai trò là thiết chế quan trọng nhất của chính quyền. Vấn đề có lẽ nằm ở sự cần thiết phải nhất thể hóa giữa Đảng với Nhà nước hơn là việc cố phân định thật rạch ròi giữa Đảng và Nhà nước. Trên thế giới này, Đảng cầm quyền nào mà chẳng hóa thân vào Nhà nước?!
Vấn đề của ông Đinh La Thăng có lẽ nằm ở chỗ khác. Đó là cái chỗ xác lập các ưu tiên. Chúa chẳng cho ai một ngày nhiều hơn 24 giờ cả, nên làm việc này thì chúng ta sẽ không còn thời gian để làm việc khác. Những gì Chủ tịch UBND có thể làm tốt không kém thì nên có sự phân công.
Hà Nội, TP.HCM nên làm gì?
Theo ông, những vấn đề gì cấp thiết cần được lãnh đạo hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM ưu tiên giải quyết trước tiên?
Ở nước ta Đảng lãnh đạo. Vì vậy, bí thư trước hết là nhà lãnh đạo của thành phố. Việc đầu tiên mà một nhà lãnh đạo phải làm là cung cấp tầm nhìn cho thành phố của mình. Với một tầm nhìn được cả cộng đồng nhận thức và chia sẻ, thì vai trò tiếp theo của nhà lãnh đạo là thúc đẩy việc hiện thực hóa tầm nhìn đó. Giải quyết những vấn đề cụ thể thì cũng tốt, nhưng như vậy thì rất dễ bị lạc vào rừng xanh.
Có người sẽ cho rằng một tầm nhìn như vậy đã có trong văn kiện đại hội Đảng của hai thành phố. Có thể là như vậy. Tuy nhiên, do cách làm văn kiện của chúng ta, rất nhiều bài học kinh nghiệm và nhiều nhiệm vụ được đề ra, nhưng một tầm nhìn đủ sáng rõ không phải bao giờ cũng đạt được.
Tôi biết ông Hoàng Trung Hải và ông Đinh La Thăng là những người rất thông tuệ, chính vì vậy tầm nhìn mà tôi thử nêu ra đây chỉ là để chia sẻ với bạn đọc hơn là để tư vấn cho hai nhà lãnh đạo nói trên.
Đối với Hà Nội thì tầm nhìn nên là: Hà Nội là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Bảo tồn và phục dựng lại Hà Nội cổ, các khu phố thời Pháp thuộc, các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tâm linh… của cha ông phải là một nửa của tầm nhìn. Những gì xây dựng mới thì phải đạt tiêu chuẩn hiện đại ngay từ đầu (kể cả các dịch vụ, các tiện ích công cộng). Để làm được điều này, nên đẩy mạnh xã hội hóa và tạo điều kiện cho những tập đoàn như Vingroup được quyền xây dựng và cải tạo các khu phố hình thành sau ngày giải phóng.
Đối với TP.HCM thì tầm nhìn nên là: TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. TP.HCM phải là nơi làm ăn dễ dàng nhất, năng động nhất. Muốn hưởng thụ văn hóa hãy đến với Hà Nội, muốn làm giàu hãy đến với TP.HCM.
Ở TP.HCM có ba yếu tố cần được khai thác tốt để thúc đẩy kinh tế phát triển. Một là, nền tảng thể chế. Đây là thành phố mà nền tảng thể chế của kinh tế thị trường hình thành và phát triển lâu đời nhất ở nước ta. Cùng với nền tảng thể chế là nguồn tư bản tài chính, tư bản xã hội cho phát triển kinh tế cũng rất dồi dào. Nhiệm vụ của lãnh đạo TP.HCM là bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thể chế này hoặc ít nhất thì cũng đừng phá vỡ chúng bởi những quy định chủ quan của mình.
Hai là, lực lượng doanh nhân và tiềm lực kinh tế của người Hoa. Người Hoa ở đây là một lực lượng kinh tế hùng mạnh. Họ yêu thành phố, yêu đất nước Việt Nam. Họ là công dân đất Việt như tất cả chúng ta. Lôi cuốn và dẫn dắt lực lượng này trong công cuộc phát triển kinh tế là rất quan trọng để có sự phát triển vượt bậc.
Ba là, Việt kiều và sự kết nối với thế giới. Những Việt kiều ra đi với bất kỳ lý do gì, thì qua thời gian, cái ngự trị bất biến trong lòng họ là tình yêu quê hương đất nước. Nếu chúng ta cùng yêu đất nước như nhau thì đây là nền tảng đáng tin cậy nhất để hòa giải. Lực lượng Việt kiều đông đảo là nguồn tư bản tri thức, tư bản tài chính, là sự kết nối với thế giới rất quan trọng đến phát triển kinh tế cho TP.HCM.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong