Việt Nam gửi công hàm tới LHQ phản đối Trung Quốc

Thứ bảy, 20/02/2016, 08:25
Ngày 19/2, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) cho lưu hành chính thức công hàm này. Cùng ngày, Úc và New Zealand lên tiếng thúc giục Trung Quốc ngừng gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.
Xinhua ngày 19/2 tuyên bố Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong ảnh: Di chuyển HQ-9 - loại tên lửa có tầm bắn 200km.

Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 19/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”.

Ông Bình cho biết, ngày 19/2, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Cùng ngày, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ cũng có công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc.

Thêm nhiều nước quan ngại

Tiếp sau nhiều nước trên thế giới quan ngại việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông, hôm qua, Úc và New Zealand lên tiếng thúc giục Trung Quốc kiềm chế làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, sau khi Bắc Kinh rõ ràng đã đưa các tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Chúng tôi thúc giục tất cả các bên liên quan trên Biển Đông kiềm chế bất kỳ hoạt động xây dựng nào trên các đảo, bất kỳ hoạt động quân sự hóa nào trên các đảo, bất kỳ hoạt động cải tạo đất nào”, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull phát biểu sau cuộc họp tại Sydney với Thủ tướng New Zealand John Key. “Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta phải bảo đảm căng thẳng được giảm bớt”, Reuters dẫn lời ông Turnbull.

Ông Turnbull nói rằng, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nghiêm túc về việc tránh cái gọi là Bẫy Thucydides (nghĩa là một cường quốc đang trỗi dậy gây ra nỗi sợ hãi đối với một cường quốc đang tồn tại khiến tình hình leo thang thành chiến tranh) thì ông Tập phải giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế. “Ông Tập rất đúng khi xác định tránh bẫy đó là mục tiêu chủ chốt”, ông Turnbull nói, trước khi có chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 4 tới.

Là nước phát triển đầu tiên công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường và sắp ký hiệp định tự do thương mại song phương, New Zealand dựa vào mối quan hệ này với Trung Quốc để thúc giục Bắc Kinh hạ nhiệt căng thẳng.

Trước đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop trong chuyến thăm Bắc Kinh đã nêu vấn đề Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở Hoàng Sa, khi gặp gỡ các quan chức Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khư khư giữ quan điểm một mình một kiểu của họ rằng, Úc và New Zealand “không phải các nước liên quan ở Biển Đông”.

“Chúng tôi hy vọng hai nước có thể nhìn nhận khách quan những diễn biến lịch sử trên Biển Đông, không làm ngơ sự thật, không đưa ra những đề xuất không mang tính xây dựng”, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua.

Còn Philippines cho biết họ “quan ngại sâu sắc” trước thông tin Trung Quốc đưa các tên lửa ra đảo Phú Lâm. “Những diễn biến này tiếp tục làm xói mòn lòng tin và làm xấu hơn tình hình vốn đã căng thẳng trong khu vực”, Philstar dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines.

Nói một đằng làm một nẻo

Mỹ và Úc gần đây đưa tàu và thực hiện nhiều chuyến bay vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải, nhưng Trung Quốc lại coi đây là “sự gây hấn”, rồi lấy cớ đẩy mạnh quân sự hóa ở khu vực, CNN đưa tin. Trong khi đó, giới chức và báo chí Trung Quốc vẫn thường xuyên nói rằng, quan điểm của nước này là cần giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thông qua biện pháp ngoại giao, phù hợp luật pháp quốc tế.

Ngày 18/2, Xinhua đăng bài bình luận biện bạch rằng, việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa là mang tính phòng vệ, phù hợp luật pháp quốc tế, không phải là hành động quân sự hóa. Hôm qua, báo Trung Quốc Global Times đăng bài xã luận mô tả tên lửa HQ-9 là “loại vũ khí phòng vệ điển hình”, đồng thời cảnh báo quân đội Trung Quốc có thể “cảm thấy bắt buộc phải triển khai thêm nhiều vũ khí”. “Nếu quân đội Mỹ gây ra mối đe dọa thực sự và có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự, quân đội Trung Quốc có thể cảm thấy phải triển khai thêm những vũ khí mạnh hơn”, Global Times viết.

Chuyên gia Peter Kreuzer thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột Hessen (Đức) nói rằng, châu Âu nói chung và Đức nói riêng cần sẵn sàng tham gia sâu hơn vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, báo Đức DW đưa tin ngày 18/2. Ông Kreuzer cũng cho rằng, các nước ASEAN cần có lập trường chung trong vấn đề Biển Đông, trước mắt là thống nhất về tuyên bố ủng hộ bảo đảm các quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn