Từ Kon Tum đến Sài Gòn có 10 trạm thu phí

Thứ bảy, 20/02/2016, 08:27
Các hãng xe khách chạy từ Kon Tum đến TP.HCM phải qua 10 trạm thu phí với giá cao. Để bù lỗ, doanh nghiệp phải tăng giá vé đối với hành khách.

Đường HCM nối Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ được đầu tư nâng cấp mở rộng từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 553km. Khi đưa vào hoạt động, đoạn đường trên có 5 trạm thu phí. Trong đó, riêng tỉnh Đắk Nông có 3 trạm cho 150km.

Như vậy, nếu tính luôn 5 trạm thu phí từ Bình Triệu (TP.HCM) đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) thì các nhà xe đi từ Kon Tum xuống TP.HCM sẽ qua 10 trạm. Ngoài việc các trạm thu phí dày đặc thì mức thu cao khiến các cho doanh nghiệp kêu trời.

Một trạm thu phí tại Đắk Nông. Ảnh: M. Q

Cụ thể, tại trạm thu phí BOT đoạn Km 1738+148 đến Km 1763+610 (tỉnh Đắk Lắk), xe dưới 12 ghế, dưới 2 tấn 35.000 đồng/vé lượt; xe từ 12 đến 30 ghế, ôtô tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 50.000 đồng/vé lượt; xe từ 31 ghế trở lên, ôtô tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 75.000 đồng/vé lượt.

Xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet 140.000 đồng/vé lượt; ôtô từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet 200.000 đồng/vé lượt.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc hãng xe Hồng Hải (tuyến Pleiku - TP.HCM) cho biết việc trạm thu phí dày đặc và mức thu cao làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh. “Hiện nay, chi phí qua trạm của một xe khách lên đến hơn 1,6 triệu đồng/lượt. Để bù lỗ, nhà xe bắt buộc phải tăng giá vé. Như vậy, người chịu thiệt đầu tiên vẫn là hành khách”, ông Hải nói.

Tương tự, một nhà xe ở Đắk Lắk thông tin, hiện đơn vị có 15 đầu xe chạy tuyến TP Buôn Ma Thuột - TP.HCM. Theo đó, từ Đắk Nông đến TP.HCM (đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 13) chỉ khoảng 330km nhưng có tới 8 trạm thu phí. Tính trung bình hơn 40km có một trạm.

“Mỗi ngày, nhà xe phải bỏ ra hơn 15 triệu đồng để qua các trạm. Đơn vị đã nộp phí đường bộ nhưng phải tiếp tục đóng tiền từng chuyến với mức cao nên rất khó khăn. Tôi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần có nghiên cứu để điều chỉnh giá thu cho hợp lý”, vị này thông tin.

Theo ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải, năm 2015, Ban đã đề nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ xem xét, sắp xếp bố trí nguồn vốn mua lại một số dự án BOT trên đường HCM.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải có văn bản cho biết, Quốc hội chưa có chủ trương phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ (TPCP), trong khi vốn Bộ được phân bổ chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu đầu tư nên chưa đủ ngân sách mua lại các trạm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn