Sức ép ngược từ người đứng đầu

Thứ bảy, 20/02/2016, 10:08
Ông Đinh La Thăng chính thức tiếp nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy TP.HCM vào chiều 5-2-2016, cũng là ngày làm việc cuối cùng của năm âm lịch, tuần lễ kế tiếp cả TP nghỉ Tết sau đó trở lại làm việc từ ngày 15-2.

Và tuần này mới là tuần làm việc thực sự đầu tiên của ông ở nhiệm vụ Bí thư Thành ủy nhưng ngay từ giữa tuần, ông đã trở thành chủ đề “nóng” thật sự, được quan tâm cả ở trên báo và trong những câu chuyện của dân chúng, nhất là sau cuộc làm việc với Công an TP hôm 17-2 và chuyến làm việc ở huyện Củ Chi sau đó 1 ngày.

Khi ông Thăng “đi Sài Gòn”, đã có không ít lời bàn tán về việc ông “lạ nước, lạ cái” trong một đại đô thị hơn 10 triệu dân; và vẫn còn đó không ít vấn đề nan giải mà chính ông cũng “đau đầu” khi ở cương vị Bộ trưởng.

Tất nhiên, sẽ là quá sớm để nói rằng ông Thăng sẽ giải quyết được mọi vấn đề, giải tỏa được những bức xúc, thay đổi căn bản ngay lập tức TP.HCM. Nhưng rõ ràng, người ta thấy có thể và có căn cứ để tin vào lời hứa của ông khi nhận nhiệm vụ, là dành toàn tâm toàn ý để thay đổi, làm cho TP tốt đẹp hơn.

Người dân TP đã nhìn thấy một hình ảnh lãnh đạo khác, từ thoải mái chụp ảnh wefie với người dân ở đường hoa đến truy vấn người đứng đầu địa phương về việc giải quyết tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi bò sữa ở Củ Chi; từ chuyện yêu cầu Công an TP phải kéo giảm tội phạm, chống nạn nghiện hút cho đến yêu cầu huyện “sửa nhà cho mẹ nghỉ ngơi” khi tới thăm gia đình chính sách…, ông Thăng đã làm thật, sau khi yêu cầu cán bộ của mình “chấm dứt chúc tụng để làm việc”; và những gì ông làm đã mang lại cảm hứng thực sự cho người dân.

Làm bí thư của một TP lớn vừa dễ vừa khó bởi vì thật ra không đơn giản để lấn át vai trò của chính quyền vốn đã được quy định trong luật. Ông Thăng đã có thể thuyết phục được người dân tin vào việc ông sẽ quyết tâm cùng các đồng sự của mình thay đổi cách làm việc, cách tiếp cận. Tôi nghĩ ông Thăng đã khéo tạo ra cảm hứng, đưa ra những định hướng thay đổi; và đặc biệt, tạo được thiện cảm thật sự từ những người dân TP.HCM khi họ tin rằng ông không chỉ nói những gì trong nghị quyết mà làm những việc cụ thể, giải quyết những công việc cụ thể, theo cách mà ông tuyên bố vài ngày trước đó.

Cách tiếp cận và tự giới thiệu với người dân như vậy, tôi nghĩ là rất “ổn” bởi khi và chỉ khi ông bí thư và các cán bộ của ông trở nên gần gũi và có thiện cảm, những gì họ nói, nghị quyết và chủ trương của hệ thống đưa ra mới có thể thực hiện được.

Niềm tin và sự thiện cảm ấy của người dân cũng sẽ là một sức ép ngược trở lại với hệ thống, đến những cán bộ của ông Thăng, buộc họ phải “bắt chước” cách hành xử của ông; và lúc đó, có thể tin vào những chuyển biến tích cực của hệ thống.

Câu chuyện của ông Đinh La Thăng, điển hình qua “lát cắt” ở Củ Chi, vì vậy, có lẽ cần được nhiều nhà chính trị, nhiều cán bộ suy ngẫm trong hành động hằng ngày của mình, đặc biệt là trong công tác dân vận.

Theo VNE

Các tin cũ hơn