Kết luận vụ MH370: Phi công 'nổi loạn’ cố ý rơi máy bay

Thứ sáu, 19/02/2016, 12:26
Cục An toàn giao thông Úc (ATSB) đã đưa ra kết luận mới nhất về sự biến mất của chiếc Boeing 777 cách đây hai năm với 239 người trên khoang. 

Theo đó, các nhà điều tra sẽ kết luận “phi công nổi loạn” cố tình đâm rơi máy bay là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn nếu cuộc điều tra không đạt được kết quả trước hạn chót. Giả thuyết này từng được mang ra thảo luận cách vài giờ sau khi chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất với 239 người trên khoang.

Chiếc máy bay này được cho là rơi ở đâu đó trong vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương, tuy nhiên các nhà điều tra chỉ tìm thấy một số mảnh vỡ nhỏ của chiếc Boeing này. Giới chức điều tra sau đó đặt ra giả thuyết chiếc Boeing 777 đã trở thành “máy bay ma”, tự bay bằng chế độ lái tự động cho đến khi nó hết nhiên liệu và lao xuống biển trong sự bất lực của hành khách và phi hành đoàn.

Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất vào tháng 3-2014 với 239 người trên khoang.

Cục An toàn giao thông Úc sẽ công bố kết luận điều tra vào cuối năm nay, tuy nhiên các nghi vấn đang xoay về một giả thuyết trước đây cho rằng phi công bị mất kiểm soát và đã cài chế độ tự động lái cho máy bay trước khi nó hết nhiên liệu.

Ông Martin Dolan, Cục trưởng Cục An toàn giao thông Úc, cho biết cuộc điều tra sắp kết thúc. “Hiện vẫn chưa phải lúc nhưng sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ điều tra ra được và sẽ phải giải thích với chính phủ phương án thay thế là gì” - ông nói.
“Nói một cách thẳng thắng, dù có nhiều bằng chứng thì giả thuyết một ai đó đã điều khiển máy bay và cố tình để cho nó rơi là có khả năng cao nhất nếu chúng ta loại bỏ tất cả khu vực tìm kiếm hiện tại”.
Giả thuyết này cũng đưa đến một khả năng khác là một lực lượng thứ ba nào đó đã giành quyền kiểm soát máy bay.
Hồi tháng 7-2015, một mảnh vỡ của máy bay MH370 đã trôi dạt trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, các dấu vết khác của máy bay vẫn không được tìm thấy.
Cuộc tìm kiếm máy bay MH370 do Úc dẫu đầu được triển khai trên phạm vi 120.000km2 trên vùng biển phía Nam của Ấn Độ Dương. Đây là cuộc tìm kiếm máy bay dưới nước tốn kém nhất trong lịch sử.
Theo PLO

Các tin cũ hơn