Cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM: Mừng ông Thăng về

Thứ năm, 18/02/2016, 14:56
Một người trẻ, năng động như ông Đinh La Thăng về TP.HCM, nhất là có 5 năm phụ trách vấn đề hạ tầng giao thông thì Thành phố rất mừng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM bày tỏ như vậy khi trao đổi với Đất Việt xung quanh đề xuất cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM của Bộ Tài chính cũng như những kỳ vọng vào tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

PV:- Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM trong đó đề xuất TP.HCM sẽ được thưởng và bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương trong trường hợp tổng thu ngân sách trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định và thu ngân sách trung ương trên địa bàn tăng so với dự toán giao cho TP.

Ông bình luận như thế nào về đề xuất này của Bộ Tài chính đặc biệt khi hai năm liên tiếp, TP.HCM đều xin thưởng vượt thu ngân sách theo đúng quy định nhưng không được chấp thuận?

TP.HCM rất cần vốn để phát triển hạ tầng giao thông.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa:- Tôi ủng hộ và đánh giá cao đề xuất của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM. TP.HCM phát triển vì cả nước và cùng cả nước, hiện nay dù đóng góp hơn 30% cho ngân sách quốc gia nhưng TP.HCM chỉ được giữ lại 23% nguồn thu, đây là con số rất thấp so với nhu cầu vốn của TP. Một trong những mục tiêu của TP.HCM là tăng thu ngân sách để đóng góp cho cả nước, đồng thời mong muốn được thưởng lại.

Trước đây, việc trích thưởng đã được "nói miệng" với nhau dưới dạng thưởng tự động bao nhiêu nghìn tỷ trên tổng số thu vượt nhưng bây giờ Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này, trong đó cũng nói rõ TP dùng tiền thưởng này để làm gì, chi có mục đích chứ không phải chi vào lương hay mục tiêu không cần thiết khác... Đề xuất này rất hay, như thế sẽ hạn chế cơ chế xin-cho, trong khi nhu cầu chi đầu tư của TP.HCM ngày càng tăng.

Ví dụ, Hà Nội có thể dễ dàng làm mấy cầu vượt bằng thép mấy trăm tỷ đồng, trong khi làm cầu bê tông cốt thép lên tới hàng nghìn tỷ đồng rất tốn kém mà TP.HCM không phải là thủ đô nên việc nhận các gói hỗ trợ của Nhà nước phải đợi rất lâu. Do đó, TP.HCM muốn được phân chia lại mức thưởng ngân sách, chủ yếu là để phát triển kết cấu hạ tầng bền vững chứ không phải cân đối lại để tăng lương, xây trụ sở... Điều này cũng sẽ tạo động lực cho TP.HCM phát triển bền vững.

Tôi hy vọng lần này Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ mở ra một hướng mới và sẽ có nhiều hướng nữa cho TP.HCM trong việc tăng thu ngân sách cũng như để quản lý đô thị phát triển tốt.

Ví dụ, Bộ Tài chính có thể tham mưu cho Quốc hội về những khoản phí, lệ phí.... Không phải TP.HCM cần đến khoản tiền đó nhưng cần có công cụ để răn đe giữ trật tự xã hội, đô thị và nếu giữ được trật tự thì ngân sách TP.HCM còn thu được nhiều hơn.

Năm 2013, TP.HCM đề xuất thành lập mô hình chính quyền đô thị nhưng sau đó không được Quốc hội phê duyệt. Với mô hình chính quyền đô thị, TP.HCM muốn tăng quyền tự chủ và tăng trách nhiệm với xã hội sao cho hợp lý hơn, đỡ bị chồng chéo. Trong đề xuất khi ấy cũng có nói rất nhiều về cơ chế tài chính.

Nay dù việc lớn không cho nhưng nếu Chính phủ cho phép những việc nhỏ thì cũng rất tốt. Đây là một tin vui đầu năm đối với TP.HCM. Nếu trong dự thảo của Bộ Tài chính có quy định cụ thể hơn việc trích thưởng, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương vào những đầu việc gì thì rất tốt vì như vậy sẽ công minh chính đại, trách nhiệm giải trình rõ ràng, khi ấy tôi tin nhân dân sẽ ủng hộ, Nhà nước cũng rất yên tâm.

PV:- Cũng theo dự thảo nghị định của Bộ Tài chính, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi khác của Chính phủ cho TP.HCM, đồng thời UBND TP được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho TP không phụ thuộc vào quy mô viện trợ (trừ các khoản viện trợ liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh). Theo ông, việc ưu tiên cho ODA cho TP.HCM ở thời điểm này có hợp lý hay không và vì sao? Ông đánh giá như thế nào về việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn ODA của TP.HCM?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa:- Lâu nay vốn ODA tập trung vào phát triển hạ tầng, có thể ở nơi này, nơi kia thừa vốn ODA hoặc ngại ODA nhưng theo tôi, TP.HCM rất cần. Hiện kinh nghiệm quản lý vốn ODA cũng đã khác, nguyên tắc quản lý công trình, dự án... TP.HCM đã có kinh nghiệm và nếu được chính phủ cho phép thì rất hay.

Theo Báo ĐấViệt

Các tin cũ hơn