Ba ký chỉ 100.000 đồng
Tại “thủ phủ” bán đồ chơi trẻ em theo ký trên đường Ngô Nhân Tịnh, quận 5, TP.HCM, chúng tôi choáng ngợp trước hàng chục cửa hàng san sát nhau chất đầy đồ chơi. Trong khi nhiều món khác được đóng hộp, cho vào từng bọc nhựa thì đồ chơi cân ký không nguồn gốc, xuất xứ, tem kiểm định lại nằm trong các bao tải mở miệng, chất đống ngay trước cửa hàng. Nhân viên tên Hằng ở tiệm Thanh Hằng, mau miệng: “Chỉ có 50.000 đồng/ký, mua từ 5 ký trở lên thì giá 40.000 đồng. Hàng này em bán chạy lắm”. Khi hỏi xuất xứ, nhân viên này nói hàng tái chế trong nước nên không có tem kiểm định?!
“Phụ huynh nên xem đồ chơi cho trẻ cũng như thực phẩm, nghĩa là phải an toàn, phải tuân thủ theo các quy chuẩn, quy định cho phép của các cơ quan chức năng khi sản xuất”. Bác sĩ Trần Văn KÝ- Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam |
Đồ chơi bán ký rất đa dạng, từ các con thú đến các loại cá, cua, trái cây, rau củ và nồi niêu, xoong chảo, ly chén, bàn ghế… Tuy nhiên, màu sắc của nhựa đều có màu xám xỉn, sờ vào thấy thô ráp chứ không trơn láng và màu nổi bật như các món đồ chơi có thương hiệu và có mùi ngai ngái của nhựa phế phẩm.
Một tiệm khác trên đường Chu Văn An (quận 6), ông chủ tên Tiều cho biết: “Hầu hết các trường mầm non đều tìm đến đây mua đồ chơi cho trẻ. Mua lẻ thì 35.000 đồng/ký, từ ba ký trở lên chỉ còn 100.000 đồng. Tôi còn bỏ mối cho các bà bán đồ chơi ở khu công nghiệp, với giá chỉ từ 20.000 đồng – 25.000 đồng/ký nhưng phải lấy vài ba chục ký trở lên. Mấy món này giờ hút hàng vì các trường đặt nhiều lắm”.
Khu vực đồ chơi trẻ em trong chợ Bình Tây ở quận này cũng bày la liệt đồ chơi cân ký giá rẻ và luôn tấp nập khách mua hàng chọn lựa. Một nhân viên cửa hàng đồ chơi ở chợ Bình Tây khoe mỗi tháng bán ra gần cả tấn đồ chơi tái chế này. “Hàng này tái chế nên giá rẻ, không có kiểm định nhưng chất lượng thì yên tâm vì mỗi tháng chúng tôi bán ra từ 1-2 tấn nhưng không có ai thắc mắc về chất lượng cả”- nhân viên này cho biết.
Coi chừng rước bệnh
Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non dân lập ở nhiều quận Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh, Cần Giờ… đều có sử dụng đồ chơi nhựa dạng cân ký. Chủ các nhóm lớp bày tỏ “cũng muốn mua đồ chơi an toàn cho trẻ nhưng giá thành rất cao. Dù sao đồ chơi từ nhựa tái chế này vẫn là hàng trong nước nên vẫn yên tâm hơn khi cho trẻ chơi đồ do Trung Quốc sản xuất”.
Tại các khu vui chơi tư nhân ở TP.HCM cũng đều có loại đồ chơi nhựa tái chế này. Trong đó, nhiều nhất là trò chơi câu cá. Nhiều trẻ không thích câu, đưa tay bắt cá cầm chơi, thậm chí đưa lên miệng liếm rồi lại dùng tay bốc cá viên chiên, trứng cút đưa vào miệng ăn ngon lành.
Đồ chơi cân ký đổ đống trên các tuyến đường Ngô Nhân Tịnh, quận 5 đều không có nguồn gốc, quy chuẩn hay tem kiểm định. |
Ông Hồ Quang, một chuyên gia trong ngành nhựa ở TP.HCM khẳng định, với các đặc điểm xỉn màu, giá thành siêu rẻ của loại đồ chơi bán ký này thì chỉ có thể được làm từ nhựa tái chế. “Đây là loại nhựa đã qua sử dụng và được nấu lại. Nhựa tái chế sẽ không thể đẹp như nhựa chính phẩm (nhựa sử dụng lần đầu) do đó, bắt buộc người sản xuất phải cho phẩm màu công nghiệp để che đi khuyết tật của sản phẩm”, ông Quang nói và cho biết “ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người”.
Theo bác sĩ Trần Văn Ký - Phụ trách chuyên môn - Văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, đồ chơi được tái chế từ nhựa phế phẩm có nhiều chất bẩn, nguyên liệu khi sản xuất bị oxy hóa, nhựa phế phẩm khi muốn tái chế thành đồ chơi thì phải dùng đến chất phụ gia công nghiệp.
“Các sản phẩm đồ chơi càng nhiều màu sắc thì tiềm ẩn nguy cơ độc hại càng cao. Vì dung dịch tạo màu này không phải màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp được tạo nên từ các loại hóa chất độc hại như: Crôm, chì, thủy ngân… Các đồ chơi làm bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và dễ phân tán vào cơ thể nếu nó tiếp xúc với nhiệt độ nóng, khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc qua đường hô hấp. Ngoài ra, phthalate là chất có thể gây nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao đối với trẻ em”- bác sĩ Ký cảnh báo.
Trước tình trạng tràn lan đồ chơi tái chế không nguồn gốc, trao đổi với phóng viên Tiền Phong hôm 17/2, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sẽ yêu cầu quản lý thị trường các quận kiểm tra về nguồn gốc, tem kiểm định các loại đồ chơi này. Cơ quan quản lý cũng cho rằng lâu nay kiểm tra nhiều về các loại đồ chơi nhập khẩu, đồ chơi Trung Quốc không nhãn mác, kém chất lượng còn đồ chơi từ nhựa tái chế trên chưa kiểm tra.
Theo Tiền Phong