Nhổ lông đuôi voi bán cho du khách

Thứ tư, 17/02/2016, 09:18
Du khách đến tham quan khu du lịch Buôn Đôn đã được mời chào mua lông đuôi voi nhổ từ chính những con voi đang được phục vụ tại đây với giá 300.000 đồng/sợi.

Trong quá trình hướng dẫn, chở khách du lịch tham quan, nhân viên, nài voi tại khu du lịch Buôn Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk - thuộc Công ty TNHH MTV du lịch và khách sạn Biệt Điện) đã cò mồi, nhổ lông đuôi những con voi đang phục vụ khách bán lấy tiền.

Trong hai ngày 12 và 13/2 (mùng 5 và 6 Tết), phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận nhiều lần khách du lịch được các hướng dẫn viên gợi ý mua “lông đuôi voi thật” ngay trên chính những con voi đang phục vụ khách tại đây.

Sau khi thỏa thuận giá cả, các hướng dẫn viên gọi các nài voi (người điều khiển) đưa voi sát vào đài (để du khách trèo lên lưng voi) và nhổ lông đuôi bán tại chỗ cho khách.

300.000 đồng/sợi

Trưa 13/2, một nhóm du khách từ TP.HCM vào nhiều cửa hàng và đều được chào mời những sợi màu đen dài khoảng 20cm, có đường kính khoảng 2mm nói đó là lông đuôi voi. Tại một số cửa hàng, chủ tiệm còn đưa cả cái đuôi nồng mùi hôi, tua tủa lông cho khách cầm xem, chọn lông.

“Cái đuôi voi này được cắt từ một con voi bị chết, đảm bảo hàng thật 100%. Mua về rồi nhờ thợ kim hoàn lồng vào nhẫn bạc, nhẫn vàng tùy ý đeo cho yên tâm” - một chủ quán mời mọc.

Nài voi cắt lông đuôi voi bán cho du khách.

Tuy nhiên ngại đồ giả, nhóm khách này bỏ đi. Sau đó, bên bờ sông Sêrêpốk, nhóm du khách này tiếp cận những nài voi đang làm việc tại đây.

Một người trong nhóm khách hỏi một hướng dẫn viên “mua lông đuôi voi ở đâu là đồ thật?”. Anh này nhanh nhảu “để em bán cho anh, đảm bảo hàng thật 100%”.

Anh này kêu một nài đưa voi sát vào đài để người này qua chọn lông đuôi voi. Khi voi đã đứng sát đài, nài tuột xuống phía sau, kéo đuôi voi lên lưng và rút trong túi quần ra một cái bấm móng tay lớn.

Một thanh niên khác xuất hiện, cũng trèo lên lưng voi để hỗ trợ “đồng nghiệp” cắt lông đuôi voi bán cho khách. Vị khách cũng tiến sát đài voi và chỉ những sợi lông vừa ý nhất để các nài voi cắt cho mình.

Vừa cắt lông đuôi voi, nài voi vừa khẳng định: “Ở trên đó (các cửa hàng) thì không biết chứ lông đuôi voi ở đây là đúng rồi”. Chỉ trong vòng khoảng 5 phút, hơn 10 sợi lông đuôi dài từ 10-15cm của chú voi này bị cắt và bán với giá 300.000 đồng/sợi.

Có hơn 10 con voi phục vụ khách tại khu du lịch này và lông đuôi con nào cũng te tua, có những chú voi không còn một sợi lông đuôi nào.

“Không thể ngăn cản”

Ông Cấn Đình Chính - Giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch và khách sạn Biệt Điện (đơn vị quản lý khu du lịch này) - xác nhận có việc các nài voi thường nhổ lông đuôi voi bán cho du khách.

“Tuy nhiên voi là tài sản của các chủ voi (cũng có thể vừa làm nài voi) nên việc họ bán lông đuôi voi cho khách công ty không thể ngăn cản. Công ty chỉ tuyên truyền, vận động để chủ, nài voi không nhổ lông đuôi, giữ sức khỏe cho voi mà thôi” - ông Chính nói.

Chỉ trong chốc lát, hai người này đã nhổ hàng chục sợi lông đuôi voi bán cho khách

Theo ông Chính, công ty có ba con voi được chăm sóc và phục vụ khách tại khu du lịch này. Trước nhu cầu cưỡi voi tham quan của du khách, công ty làm hợp đồng lâu dài với các chủ voi và ăn chia lợi nhuận tùy theo lượng khách tham gia dịch vụ.

Việc chăm sóc hay có nhổ lông đuôi voi đem bán cho du khách công ty không quản lý.

Trước thông tin hướng dẫn viên khu du lịch mồi chài du khách mua lông đuôi voi mà phóng viên Tuổi Trẻ cung cấp, ông Chính nói sẽ cho kiểm tra.

“Trong công ty chúng tôi yêu cầu các nhân viên không được tham gia việc bán lông đuôi voi cho khách du lịch. Có thể vì muốn có đồng ra đồng vào nên anh em mới làm như thế” - ông Chính nói thêm.

“Nhẫn lông đuôi voi may mắn” là chuyện hoang đường

Những người bán nhẫn lông đuôi voi kể cho du khách một truyền thuyết về lông đuôi voi như sau:

Ngày xưa có một đôi trai gái yêu thương nhau nhưng bị ngăn cản. Thần Voi đã giúp đỡ để hai người nên nghĩa vợ chồng. Họ được tặng một chiếc lông đuôi voi để làm tín vật trong lễ thành hôn. Từ đó lông đuôi voi trở thành biểu tượng cho sự may mắn trong tình yêu.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê K’Đăm, một người nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, khẳng định trong hơn 40 năm nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên bà chưa từng nghe bất cứ già làng người dân tộc bản địa nào kể về truyền thuyết tình yêu liên quan đến nhẫn lông đuôi voi cả.

“Đây là câu chuyện người ta dựng lên để bán nhẫn lông đuôi voi và những con voi liên tiếp bị làm hại để lấy ngà, lấy đuôi. Trong văn hóa người Tây Nguyên, người ta yêu quý, xem voi như người nên không thể có chuyện người ta làm đau con voi, nhổ lông đuôi đem bán cả.

Khi voi chết, chủ, nài voi còn chôn voi cẩn thận với tất cả bộ phận, làm mộ cho voi. Hôn nhân của người Tây Nguyên được vững bền là do luật tục, buộc phải làm theo, không có chuyện vì cái nhẫn có lông đuôi voi mới thủy chung, son sắt” - nhạc sĩ Linh Nga nói.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn