Phà Vàm Cống đang hoạt động bình thường thì bị tin đồn nhảm là chìm, khiến nhiều người lo lắng |
Vào chiều tối ngày 14-2 (mùng 7 Tết), một bạn đọc ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang gọi điện thoại về Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động tại TP.Cần Thơ cho biết có thông tin về việc một chiếc đò ở thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) bị chìm giữa dòng sông Tiền khi đang đưa khách sang bên kia bờ thuộc cù lao Long Thuận (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Ngay sau đó, chúng tôi liên hệ với ngành chức năng ở tỉnh An Giang để xác minh vụ việc thì được biết đây chỉ là tin đồn nhảm.
Chị Trần Kim Xuân ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, cho biết gia đình chị ở gần bến đò Long Thuận đi Chợ Vàm nhưng hoàn toàn không nghe gì về việc này. Vậy mà, khi chị Xuân ra chợ Hồng Ngự mua sắm thì lại nghe nhiều người đồn rùm lên rằng có một chiếc đò ở bến này bị chìm và kéo theo hơn chục khách mất tích.
“Cái chuyện chìm đò, chết người đâu phải chuyện nhỏ mà người dân ở đây không biết? Tôi không hiểu người ta có ý định xấu gì mà nói chuyện ác mồm, ác miệng vào những ngày đầu năm”- chị Xuân bức xúc.
Chưa dừng lại ở đó, vào sáng hôm sau (15-2), chúng tôi nhận được tin báo của bạn đọc khác cho biết tại khu vực bến phà Vàm Cống (bờ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã xảy ra vụ một chiếc xe khách chạy tuyến An Giang đi Bình Dương bị lọt xuống sông Hậu, khiến nhiều người mất mạng vì không kịp thoát ra ngoài. Thậm chí, nguồn tin nhảm còn cho rằng, các ngành chức năng đang huy động lực lượng cùng với các phương tiện chuyên dụng để giải cứu hàng chục hành khách còn mắc kẹt trong xe. Phần đông những nạn nhân là dân nghèo ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đi làm thuê ở Bình Dương. Chưa hết, đến đầu giờ chiều cùng ngày, lại xuất hiện thêm thông tin rằng chiếc xe khách này không phải lọt xuống sông Tiền tại khu vực bến phà Cao Lãnh (thuộc TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Huy Khánh, Phó Giám đốc Cụm phà Vàm Cống, cho biết trong những ngày cao điểm của dịp Tết Nguyên đán năm nay, do lượng khách tăng đột biến nên có xảy ra tình trạng ùn tắc trong khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, sau khi ban giám đốc quyết định mở thêm bến phụ với nhiều chiếc phà có tải trọng lớn để phục vụ khách qua sông theo hình thức một chiều nên đã giải quyết ổn thỏa tình trạng này. Còn việc thông tin phà Vàm Cống bị chìm hay xe khách lọt xuống sông ở khu vực này là hoàn toàn bịa đặt.
“Từ 5 giờ sáng cho đến hết ngày hôm qua (15-2), đã có rất nhiều phóng viên ở các báo đài, công an tỉnh và bạn bè của tôi đều gọi điện thoại hỏi thăm có chuyện đó xảy ra hay không. Nói thật lòng, tôi rất ngại nghe điện thoại vì phải trả lời những tin đồn nhảm như thế trong mấy ngày qua"- ông Khánh bức xúc.
Ông Trương Minh Thuần, Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh An Giang, cho biết ông cũng vừa nghe được thông tin này và đang xác minh làm rõ. Thông thường, những tin đồn không có căn cứ thường được lan truyền đi rất nhanh. Tuy nhiên, việc truy tìm và xử lý đối tượng tung tin đồn như thế này là hết sức khó khăn.
“Khi nào báo chí có nêu lên vụ việc thì người dân xem đó là thông tin đáng tin cậy chứ đừng nghe theo những tin đồn như thế này. Về phía báo chí cũng nên thông tin lại việc này để tránh câu chuyện bị đẩy đi quá xa vì người dân nghe rồi truyền miệng với nhau”- ông Thuần khuyến cáo.
Theo NLĐ