Tổng thống Mỹ Barack Obama, phải, cùng Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone, nước Chủ tịch ASEAN năm nay, trong cuộc họp tại Sunnylands ngày 15/2 theo giờ địa phương. Ảnh: AFP |
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, trao đổi với VnExpress về cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ - ASEAN cũng như hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ thời gian tới.
Mỹ và ASEAN có thể đạt được kết quả gì sau cuộc gặp này?
Lãnh đạo hai bên dự kiến đề ra các nguyên tắc cơ bản cho mối quan hệ Đối tác chiến lược mới thiết lập năm ngoái. Nói cách khác Tuyên bố chung của hội nghị sẽ định nghĩa nội hàm mối hợp tác giữa Mỹ và ASEAN, trong đó tự do hàng hải và an ninh biển ở Đông Nam Á sẽ là một nội dung quan trọng trong tuyên bố, do Mỹ có lợi ích lớn trong vấn đề này.
Việc Tuyên bố chung có nhắc đến Biển Đông hay không, ở mức độ nào cũng là một khúc mắc đấu tranh giữa các nước. Campuchia có thể sẽ đấu tranh để không nhắc đến Biển Đông, nhưng lần này họ không đóng vai trò chủ tịch, nên vấn đề Biển Đông sẽ có trong Tuyên bố chung.
Trước khi có quan hệ Đối tác chiến lược với Mỹ, ASEAN đã thiết lập mức quan hệ này với Trung Quốc. Việc đó cho thấy mối quan hệ của ASEAN với các nước lớn trở nên cân bằng hơn. Tôi cũng muốn lưu ý một nguyên tắc làm việc của ASEAN là dựa trên đồng thuận, nên chỉ cần một nước thành viên chịu ảnh hưởng của Trung Quốc thì quyết định tập thể có thể bị yếu đi nhiều.
Trước diễn biến trên Biển Đông được dự báo sẽ căng thẳng hơn trong năm nay, ông dự đoán Mỹ sẽ làm gì thêm ngoài việc tuần tra?
Việc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông là điều nước này đã thực hiện từ lâu, thời gian vừa qua hành động này có phần dày đặc hơn. Dư luận đặc biệt quan tâm và các nước trong vùng có phản ứng chính thức.
Trên thực tế các nước chưa có cách gì hữu hiệu để thực sự ngăn chặn các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng các công trình trên các thực thể mà họ chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng sẽ tăng cường số lượng tàu giả dạng tàu cá, tăng tàu chấp pháp và cả tàu quân sự ở Biển Đông.
Hợp tác Mỹ -ASEAN là những nước cờ vây, có thể có tác dụng lâu dài, nhưng không có tác dụng ngăn cản Trung Quốc ngay lập tức.
Do đó, tôi cho rằng đối sách hợp lý nhất là các nước phải tăng cường thế liên thủ nhằm thiết lập một đối trọng khả tín, để lập lại cân bằng chiến lược trong khu vực này.
Các đề xuất cụ thể hơn cho việc tăng cường liên thủ như ông nói đến, là gì?
- Những nước có chung mong muốn không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông phải vượt qua nghi kỵ lẫn nhau, thể hiện mạnh mẽ hơn quyền tự vệ chính đáng, trong đó có quyền liên minh phòng thủ với nước khác.
Trên hết các nước phải thay đổi chiến lược lớn với Trung Quốc, không thể tiếp tục cách "kết giao và phòng hờ" (engagement and hedging) như hiện nay, mà cần chuyển sang thế mới tôi gọi là "cân bằng và chia sẻ" (balancing and sharing). Tức là các nước thiết lập đối trọng khả tín với sức mạnh đang lên của Trung Quốc, về lâu dài hướng tới một mô hình lãnh đạo tập thể trong khu vực.
Biển Đông chỉ có thể ổn định dưới sự quản lý của một thể chế quốc tế tập thể. Thể chế này sẽ là hạt nhân cho mô hình lãnh đạo tập thể của khu vực trong tương lai. Tuy nhiên để thể chế này được chấp nhận thì trước hết phải có cân bằng lực lượng trong khu vực.
Là một nước có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông, Việt Nam nên có hành động thế nào?
Việt Nam cần tăng cường cả nội lực và ngoại lực. Không có thực lực thì không có nước nào có thể đảm bảo được quyền lợi của mình. Không có sự ủng hộ của bạn bè thì không thể đảm bảo quyền lợi của mình, kể cả nước lớn như Mỹ.
Tranh chấp Biển Đông là một thách thức ghê gớm với Việt Nam, nhưng nó cũng là một cơ hội để Việt Nam xốc lại chính mình. Một đất nước chỉ có thể mạnh nếu từ lãnh đạo đến người dân biết đặt cái riêng trong cái chung, phấn đấu vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Vấn đề Biển Đông tạo ra một cơ hội để lãnh đạo và người dân Việt Nam đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.
Để đảm bảo quyền lợi ở Biển Đông, trước hết Việt Nam phải hết sức coi trọng vấn đề này, không thể coi nó là "chuyện nhỏ trong bức tranh lớn". Biển Đông có thể là chìa khóa cho các vấn đề thuộc về đại cục.
Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa trong các quyền tự vệ chính đáng, cần sử dụng các quyền đó một cách quyết đoán hơn. Mục đích là nhằm tăng cường nội lực, tăng sự ủng hộ từ bên ngoài. Nếu chỉ vì sự yên ổn trước mắt mà từ chối các bước đi có thể tăng nội lực và ngoại lực thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của mình về lâu dài.
Ông dự báo như thế nào về quan hệ hợp tác Việt - Mỹ trong năm nay?
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ trong năm ngoái không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai nước, mà thể hiện bước chuyển quan trọng trong ngoại giao của Việt Nam. Nó thể hiện xu hướng mở cửa hơn với phương Tây, đặt Việt Nam vào vị trí cân bằng hơn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tôi tin rằng Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục xích lại gần nhau hơn trong những năm tới, có thể thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Hai lĩnh vực sẽ có những bước đi hợp tác quan trọng là kinh tế và an ninh.
2015 là dấu mốc lớn nhất trong quan hệ Việt - Mỹ từ khi tái lập quan hệ ngoại giao. Chuyến đi của ông Trọng đã xóa đi phần lớn những nghi kỵ chiến lược từng cản trở tiến trình hợp tác giữa hai nước. Việt Nam và Mỹ đã cơ bản hoàn thành quá trình bình thường hóa quan hệ.
Tổng thống Mỹ Obama sẽ đến thăm Việt Nam trong tháng 5, chuyến thăm sẽ mang tính chất biểu tượng, đánh dấu sự thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Theo VNE