John Kerry không lay chuyển được quan điểm của Campuchia về Biển Đông

Thứ tư, 27/01/2016, 09:16
Ngoại trưởng Mỹ hôm qua gặp các lãnh đạo Campuchia nhưng không thể đảm bảo họ thể hiện lập trường cứng rắn hơn, cùng các nước Đông Nam Á phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong cuộc gặp hôm qua.

Theo Reuters, ông Kerry tới Campuchia sau khi thăm nước láng giềng Lào, nhằm kêu gọi sự đoàn kết giữa các lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trước hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Barack Obama ở bang California vào tháng tới.

Tại Phnom Penh, ông Kerry gặp Thủ tướng Hun Sen và Ngoại trưởng Hor Namhong. Ngoại trưởng Mỹ mô tả các cuộc gặp là "chân thành và mang tính xây dựng".

Tuy nhiên, Hor Namhong nói lập trường của Campuchia về Biển Đông không thay đổi. Campuchia tin rằng "từng nước nên giải quyết tranh chấp với nhau" và "ASEAN không nên can thiệp", ông nói.

Lập trường này tương tự của Trung Quốc, rằng ASEAN không phải là bên trong tranh chấp lãnh thổ, vì vậy tranh chấp cần được giải quyết song phương.

Ngoại trưởng Mỹ không đề cập đến Biển Đông trong tuyên bố sau các cuộc gặp, nhưng nhấn mạnh Mỹ và ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược "và Campuchia có vai trò trong việc xác định rõ và đầy đủ mối quan hệ đó".

Năm 2012, khi là nước chủ nhà của hội nghị ASEAN, Campuchia đã bị cáo buộc cản trở khiến khối không có tiếng nói đồng nhất, lên án hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khiến ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung trong 45 năm.

Kerry hôm nay dự kiến đến Trung Quốc, nhằm hối thúc Bắc Kinh có tác động mạnh mẽ hơn nữa với Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ tư và nhắc lại quan ngại của Mỹ về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, nhưng ủng hộ tự do hàng hải và phản đối hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.

Tại Biển Đông, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước thuộc ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Bắc Kinh không chỉ đưa ra yêu sách phi lý mà liên tục có các hành vi gây hấn với tàu cá của các nước liên quan, thúc đẩy cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Các hành vi này của Trung Quốc bị nhiều nước lên tiếng chỉ trích và yêu cầu ngừng gây căng thẳng.

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông và khẳng định lập trường giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).

Theo VNE

Các tin cũ hơn