Buổi sáng cuối tháng 7/1997, Nguyễn Văn Nông lúc đó mới 14 tuổi ở xã Đại Thắng (Đại Lộc, Quảng Nam) đến nhà người bà con trong làng dự đám cưới. Thấy máy rà phế liệu, Nông mượn ra đồi phía sau nhà rà thử. Một lúc sau, Nông nghe máy rà báo có kim loại trong lòng đất nên gọi cho ông Lê Chờ, người trú cùng thôn đang có mặt tại đó, đào giúp.
Đầu tượng lúc công an Quảng Nam thu giữ. |
Khi ông Chờ đào sâu khoảng 60cm thì phát hiện một hũ bằng bạc đã bị vỡ, bên trong có bức tượng hình đầu người bằng kim loại màu vàng. Lúc này, ông Chờ bảo Nông để ông đem về nhà cất, tuy nhiên cậu bé không chịu và chạy về nhà báo cha là Nguyễn Văn Kình đến giành lại. Chỉ ít tiếng sau, hàng trăm người dân trong làng kéo đến nhà Nông xem bức tượng bằng vàng. Thông tin này nhanh chóng đến tai các tay buôn đồ cổ.
Sau khi qua nhiều tay “cò”, trùm đổ cổ Nguyễn Đăng Tiến (trú xã Điện Minh, Điện Bàn) với biệt danh Tiến “Đầu bạc” đến nhà xem và ra giá 15 lượng vàng cho bức tượng. Cha con ông Kình đồng ý bán, nhưng ông Lê Chờ người cùng đào bức tượng với Nông không chịu và đòi giá cao hơn.
Vài ngày sau, lần lượt những tay buôn đồ cổ kéo đến nhà ông Kình ra giá. Vì sợ không an toàn, cha con ông này phải ra Đà Nẵng trú và bảo quản tượng vàng. Sau thất bại lần mua đầu tiên, thấy nhiều tay buôn khác tìm đến ra giá, sợ bị giành mất, Tiến “Đầu bạc” rốt ráo tìm cách mua bằng được. Biết một mình không đủ vốn, Tiến rủ Nguyễn Đình Bằng (58 tuổi, trú Đà Nẵng) cùng hùn tiền để mua bức tượng vàng quý hiếm.
Sau nhiều lần gặp thương lượng giá cả, sáng 2/8/1997, cha con ông Kình đồng ý bán cho Tiến với giá 60 cây vàng. Tuy nhiên, khi giao bức tượng vào ngày hôm sau, gia đình ông Kình lại đổi ý và đòi 75 lượng vàng. Hai bên tiếp tục kỳ kèo và thống nhất giá 68 lượng vàng. Cha con ông Kình ôm số vàng về chia một ít cho ông Chờ và tổ chức ăn mừng. Từ một gia đình nghèo nhất nhì xã, ông Kình trở thành đại gia.
Phần cổ của tượng được thiết kế để gắn vào linga mỗi khi làm lễ, sau đó tháo ra cất giữ. |
Mua được tượng vàng, Bằng và Tiến gọi điện cho Đào Danh Đức ở TP.HCM thông báo có bức tượng cổ bằng vàng quý hiếm muốn bán. Qua nhiều lần thương lượng, Đức trả 810 triệu đồng - tương đương hơn 160 lượng vàng lúc bấy giờ và được hai người này đồng ý bán. Chỉ vài ngày sau, Bằng và Tiến dễ dàng kiếm được gần 100 lượng vàng.
Sau khi gia đình ông Kình và hai tay buôn đồ cổ sống trong vui sướng được ít ngày thì bị Công an Quảng Nam triệu tập. Vụ án buôn bán hàng cấm lập tức được khởi tố. Ông Kình, Tiến và Bằng bị bắt tạm giam. Toàn bộ số vàng bán bức tượng của gia đình ông Kình cũng như gần 100 lượng vàng kiếm lời của hai người buôn đồ cổ bị tịch thu.
Lần theo lời khai của ba người này, công an tiếp tục bắt tạm giam Đào Danh Đức và di lý về Quảng Nam. Khám xét nơi ở của Đức, nhà chức trách thu hồi bức tượng cổ. “Nếu không kịp thời truy tìm chắc chắn bức tượng cổ quý hiếm này sẽ bị bán ra nước ngoài. Lúc đó quốc gia mất một bảo vật độc nhất vô nhị trên thế giới”, đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm, nguyên Giám đốc Công an Quảng Nam nói. Ông Kiểm là người chỉ huy vụ truy tìm dấu vết tượng cổ này.
Nguyễn Đình Bằng, Nguyễn Đăng Tiến, Đào Danh Đức bị khởi tố về tội Buôn bán hàng cấm. Còn ông Nguyễn Văn Kình bị truy cứu tội Chiếm giữ trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa và buôn bán hàng cấm. Tuy nhiên, do ông Kình thành khẩn khai báo, hơn nữa do nhận thức còn hạn chế nên được trả tự do sau khi bị giam hơn một tháng. Các bị cáo còn lại bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt mức án từ 3 đến 5 năm tù.
Về phần bức tượng, qua giám định, nhà chức trách khẳng định tượng cổ bằng vàng là tượng thần Siva, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ X. Đầu tượng cao 24cm, nặng 0,58kg, có nét tương đồng với pho tượng Siva trong tháp C1 ở thánh địa Mỹ Sơn. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho hay đây là tượng Siva bằng vàng thứ hai mà Việt Nam còn giữ được đến nay. Đầu tượng Siva thứ nhất được phát hiện từ đầu thế kỷ 20 tại Hương Đình (Phan Thiết, Bình Thuận), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Vì lý do an toàn nên tượng này chưa thể công khai để công nhận Bảo vật quốc gia.
Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, đầu tượng hay còn gọi là Kosa là một lớp vỏ bọc bằng kim loại, thường là vàng hoặc bạc dùng để bao bọc phần trên cùng của linga để thờ trong các tháp Chăm. Do có giá trị lớn, đầu tượng này được thiết kế các chốt ở phần cổ để dễ dàng tháo ra đưa vào kho cất giữ sau khi làm nghi lễ. Vào những dịp lễ trọng đại, người Chăm sẽ mở Kosa để tiến hành nghi lễ tẩy rửa linga.
Ông Đinh Hài bên đầu tượng dạng phiên bản được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: Tiến Hùng. |
Khi Ấn Độ giáo du nhập vào Chămpa, thần Siva được người Chăm suy tôn là “thần của các vị thần”, là “chúa tể của muôn loài”. Vào thế kỷ thứ 4, vua Bhadresvara 1 của Chămpa cho lập thánh địa Mỹ Sơn để thờ thần Siva. Văn bia bằng chữ Phạn trong thánh địa Mỹ Sơn tôn vị thần này là “cội rễ của nước Chămpa”. Theo nhiều tư liệu, trong tất cả hiện vật của văn hóa Chăm, duy nhất tượng thần Siva được làm bằng vàng.
Những thông điệp bằng tiếng Phạn được khắc trên một số linga-kosa thể hiện đây là món quà quan trọng nhất, quý giá nhất các vị vua dâng lên thần Siva. Hoàng gia Chămpa tin tưởng rằng việc tạo nên những linga-kosa quý giá bao bọc cho các linga làm bằng đá sẽ thúc đẩy khả năng bảo vệ vương quốc và hoàng gia khỏi mọi điều bất trắc. Cũng có tài liệu cho rằng, việc thờ linga bằng vàng sẽ đảm bảo sự thịnh vượng cho vương quốc, cũng như khả năng mở rộng lãnh thổ.
Theo VNE