Người dân vất vả trở lại thành phố

Chủ nhật, 14/02/2016, 19:18
Sau thời gian nghỉ Tết, người dân trở lại thành phố, các khu công nghiệp phải mất nhiều thời gian để mua vé và chịu mức giá cao hơn nhiều so với ngày thường.

Là tàu khách tăng cường trong dịp Tết, 8h20 sáng 14/2 tàu SE13 rời ga Hà Nội đi Sài Gòn. Hơn 13h chiều cùng ngày, tàu tới ga Thanh Hóa thì 11 toa đều chật kín, nhiều hành khách phải ngồi ghế phụ.

Ngồi vật vờ ở ghế phụ, chị Nguyễn Thị Tý trú ở Thanh Hóa cho hay, đã lên mạng mua vé từ đầu tháng 1/2016 để vào Sài Gòn, nhưng hết nên phải mua ghế phụ với giá 891.000 đồng, trong khi ghế chính là 1.470.000 đồng. Dù bất tiện, nhưng chị bảo vẫn còn may vì có vé về, nhiều người còn không mua được vé.

Theo thông lệ sau Tết nhu cầu đi lại chiều Hà Nội - Sài Gòn rất lớn. Tất cả vé ghế chính và phụ hầu như đã hết từ trước 1/2016 và tăng giá dao động 20-60%. "Theo quy định mỗi toa ghế mềm điều hòa là 71 ghế chính và được phép thêm 7 ghế phụ", cán bộ nhà tàu nói.

Không chỉ tàu hỏa, việc mua vé xe khách vào Nam sau Tết cũng rất khó khăn. Mệt mỏi sau khi chạy đôn chạy đáo khắp bến xe nhưng không mua được vé, chị Lan (quê Thọ Xuân, Thanh Hoá) được một số "cò" giới thiệu có vé giường nằm đi Đà Nẵng với giá 600.000 đồng. Chưa kịp mừng vì tìm được xe, chị Lan lại nhận được điện thoại của "cò" nói đã hết vé.

"Một số nhà xe còn vé thì bắt mua trọn tuyến đi TP.HCM, giá hơn 1,3 triệu đồng, trong khi tôi chỉ đi từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng", chị Lan kể. Cuối cùng chị phải chấp nhận đi xe ghế ngồi, dù có con nhỏ, để kịp có mặt ở Đà Nẵng ngày đầu tuần làm việc.

Khách trên tàu SE13 Hà Nội - Sài Gòn sáng 14/2 chật ních, nhiều người phải ngồi ghế phụ dù giá không rẻ.

Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, nhiều người ở Thanh Hoá vẫn chưa mua được vé vào Nam. Khác những năm trước, Tết Bính Thân hầu hết nhà xe không nhận đặt vé qua điện thoại mà phải đến mua tại bến.

Anh Thành, chủ một doanh nghiệp vận tải tuyến Thanh Hoá - Đà Nẵng, cho biết vé xe giường nằm của hãng đã bán hết cho 3-4 ngày tới. "Từ mùng 4 Tết, hơn chục xe của hãng đã xuất bến, chuyến nào cũng hết vé", anh Thành nói và cho biết phải tăng cường xe của một số hãng khác nhưng chủ yếu là ghế ngồi.

Không mua được vé xe khách, anh Nguyễn Huy Kỳ (41 tuổi, quê xã Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hoá) đành bỏ ra 6 triệu thuê riêng ôtô loại 16 chỗ để đưa vợ con cùng người thân vào lại Đà Nẵng kịp ngày đi làm, các con đi học. "Chưa năm nào tôi thấy vé xe căng thẳng như năm nay. Do chủ quan không đặt trước nên dù đã gọi điện khắp nơi vẫn không bắt được xe, đành bỏ thêm chi phí", anh Kỳ nói.

Tại bến xe Vinh (Nghệ An), từ sáng 14/2 hàng trăm khách với đồ đạc lỉnh kỉnh kéo đến quầy chờ mua vé trở về các thành phố lớn Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... sau những ngày Tết. Khu vực ghế chờ cho hành khách mua vé kín chỗ. Giá các chặng của nhà xe đều được niêm yết và tăng 30-50% so với ngày thường.

Chị Hà quê ở Nghi Lộc (Nghệ An) bắt xe ra Thái Bình cho hay, theo quan niệm hôm nay không phải là ngày đẹp, song để kịp ngày mai làm việc nên phải tới bến mua vé. Trước khi tới, chị đã gọi điện đặt ghế nhưng tất cả xe chạy tuyến Vinh - Thái Bình đều không còn chỗ nên chị chuyển qua mua vé Vinh - Hà Nội. Dù phải chịu đi hai chặng xe và thêm chi phí, nhưng chị không còn cách nào khác.

Hầu hết xe đi tuyến lớn Vinh - Hà Nội; Vinh - TP.HCM kín khách ngay từ bến. Nhiều người phải ra dọc quốc lộ 1A để đón xe các tỉnh khác chạy qua.

Ông Vũ Hoàng Huynh, Trưởng bến xe Vinh cho biết, từ mùng 2 Tết lượng khách đi các tỉnh như Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn đã tăng khoảng 60% so với ngày thường. Tuy nhiên, do các tuyến được tăng cường xe nhiều nên không có tình trạng người dân phải chen lấn, xô đẩy để mua vé.

Hành khách mệt mỏi chờ xe tại bến xe Vinh sáng 14/2.

Tại Hà Tĩnh, do năm nay thời gian nghỉ sau Tết kéo dài nên tình trạng vạ vật chờ bắt xe Bắc - Nam không còn tồn tại như những năm trước. Tại các phòng bán vé xe đi Hà Nội, TP.HCM… đa số người dân đã đặt vé từ trước Tết, chỉ một vài trường hợp không kịp mua vé thì vẫn vẫy được xe bên ngoài.

"Tôi bắt xe đi vào Đồng Nai, chờ hơn một tiếng rồi, có vẫy một vài xe nhưng họ đủ khách nên không đón. Trước đó có một số người đứng đón xe vào Lâm Đồng đều thành công", một hành khách nói.

Trung tá Nguyễn Chiến Thắng, Đội trưởng Cảnh sát giao thông phía Bắc (Công an Hà Tĩnh) cho biết qua tuần tra nhiều ngày qua, lực lượng chức năng thấy xe Bắc - Nam bình ổn, chưa ghi nhận trường hợp xe nào nhồi nhét khách.

"Năm nay người dân Hà Tĩnh đi xe ít hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân một phần nghỉ dài ngày, phần còn lại là phần đông công nhân không về quê ăn Tết, không dẫn tới tình trạng khan hiếm vé và phải xếp hàng đón dọc đường", trung tá Thắng nói và cho hay sẽ xử lý nghiêm nhà xe chở quá số người quy định.

Tại quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chỉ có một nhóm bạn trẻ đứng đón xe đi Hà Nội, nhưng đều đã mua vé từ trước.

Dọc quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam, dưới cái nắng gắt, rất đông người dân với hành lý cồng kềnh đứng hai bên đường vẫy xe khách. Tại các tuyến giao nhau với quốc lộ trong địa phận TP.Tam Kỳ, xe cộ chật kín, tiếng còi inh ỏi xin đường do nhiều người tràn ra giữa đường vẫy xe.

“Vé tàu đã hết từ lâu, biết khách có nhu cầu nên nhiều nhà xe hét giá vé lên gấp đôi hoặc gần gấp 3 so với ngày thường, nhưng vẫn không còn chỗ”, Trần Thanh (23 tuổi, huyện Phú Ninh), làm công nhân tại Bình Dương nói.

Thanh mua vé bình thường chỉ khoảng 500.000 đồng, nhưng nay giá đội lên một triệu đồng. “Lương công nhân chỉ vài triệu mỗi tháng. Tiếc tiền, em đợi từ sáng đến giờ nhưng hỏi xe nào cũng cái giá đó và phần lớn chật chỗ”, Thanh nói.

Xe khách từ Lạng Sơn đi Hà Nội cũng kín khách do sinh viên, công nhân về quê ăn Tết bắt đầu quay trở lại thủ đô, các khu công nghiệp. Chị Nguyễn Thị Dinh (25 tuổi, trú huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) làm công nhân ở Bắc Ninh cho hay, bình thường đi xe khách là 80.000 đồng, tuy nhiên hôm nay giá là 120.000 đồng.

"Tăng giá vé ngày Tết là bình thường, có mỗi mấy ngày lễ Tết người đi người về đông bù lại tiền xăng xe những ngày vắng khách", Thanh, một phụ xe khách giải thích và cho hay mỗi vé tăng khoảng 10-20 nghìn đồng. Xe anh làm không nhét thêm khách vì sợ cảnh sát giao thông phạt số tiền còn cao hơn tiền thu được.

Theo VNE

Các tin cũ hơn