Không thể tự tiện niêm yết giá
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định sự việc một nhà hàng bán hộp cơm cho du khách giá 200 ngàn đồng không ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch Đà Nẵng.
Ông Vinh cho rằng sự việc rồi sẽ sớm rơi vào lãng quên do đây là sự vụ nhỏ. Theo ông Vinh, ông chưa nhìn thấy hộp cơm đó nên không đánh giá việc đắt hay rẻ.
“Quán đã có niêm yết giá và bán đúng giá nên ở đây không thể nói chuyện đúng hay sai. Điều cần quan tâm là giá niêm yết đó có đến được với người tiêu dùng hay không, cụ thể ở đây là khách mua hàng.
Nếu giá niêm yết đó khách hàng đã biết thì chuyện sẽ không ồn ào. Nếu quán có niêm yết và khách không biết thì phải xem lại cách quản lý”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng cho rằng, sự việc lần này Chủ tịch TP.Đà Nẵng không nhất thiết phải can thiệp như đã làm.
“Đây là chuyện kinh tế thị trường. Kiểm tra rồi họ bán đúng giá niêm yết thì rất khó bắt bẻ.
Họ bán đúng giá niêm yết nên giờ kiểm tra thuế, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là không nên. Sự việc này không nên quá ồn ào”, ông Vinh nhận định.
Theo ông Vinh, việc nhà hàng Đỉnh Khôi bán hộp cơm với giá 200 ngàn đồng là quyền của họ.
“Khách hàng là thượng đế, du khách có quyền chọn có trở lại quán này hay không sau sự việc. Nếu tất cả quán ăn ở Đà Nẵng đều niêm yết hộp cơm giá 200 ngàn đồng và bán với giá đó thì khách vẫn có quyền lựa chọn có đến hay không.
Quan trọng nhất là cơ quan chức năng cần kiểm tra việc niêm yết giá có phù hợp hay không”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Như Nam, Phụ trách khối du lịch nước ngoài – Công ty Việt Nam TravelMart, cho hay sự việc hộp cơm 200 ngàn rõ ràng là không thể chấp nhận được.
Theo ông Nam, cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng cần vào cuộc kiểm tra, xác định sự việc và giải thích cụ thể. Đặc biệt, Đà Nẵng cần phải khẳng định rằng nhà hàng này không phải là hình ảnh chung của Đà Nẵng.
Vụ việc quán Đỉnh Khôi không ảnh hưởng đến du lịch Đà Nẵng |
“Tôi chưa từng gặp sự cố như vậy ở các điểm du lịch nước ngoài khi đưa khách Việt Nam đến.
Ở nước ngoài, họ niêm yết giá rất rõ ràng và bán đúng giá. Món ăn trong thực đơn của họ rất rõ ràng, chi tiết.
Họ chụp hình lại từng món ăn để đưa ra thực đơn. Ví dụ món cơm sườn thì có bao nhiêu miếng thịt, miếng trứng và giá cụ thể”, ông Nam kể.
Để tránh tình trạng tự niêm yết giá theo sở thích, ông Nam cho rằng cần phải có sự phối hợp giữa Sở Công thương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
“Niêm yết giá là một phần nhưng phải phù hợp chất lượng. Hộp cơm xào hải sản ở quán bình dân mà 200 ngàn đồng là không thể chấp nhận được. Cơ quan chức năng phải kiểm tra, sát với giá thị trường”, ông Nam nói.
Phân hạng quán ăn theo sao
Theo ông Vinh, ngành du lịch muốn phát triển thì cần triển khai nhanh việc đánh giá, phân loại nhà hàng theo chuẩn sao như khách sạn.
“Kiểm tra nhà hàng nào tốt, chất lượng dịch vụ cao nhất thì đánh giá 5 sao rồi giảm dần. Thông tin về các nhà hàng, thực đơn, giá cả được đưa ra theo sao, công khai rõ ràng để du khách chọn lựa nơi mình được phục vụ”, ông Vinh nêu ý kiến.
Các nhà hàng được phân loại sẽ không còn tình trạng chặt chém |
Đồng tình với ý kiến của ông Vinh, ông Nam cho rằng cần phải nhanh chóng phân cấp chất lượng nhà hàng.
“Nhà hàng theo sao, 1 sao thì bình dân, 2 sao thì trung lưu... Nhà hàng được đánh giá 3 sao thì không thể bán với giá của 5 sao được. Muốn nâng sao thì nhà hàng phải cải thiện chất lượng phục vụ.
Khách hàng dựa vào sao để chọn đơn vị phục vụ. Nạn chặt chém sẽ không còn đất sống”, ông Nam nhận định.
Theo Tri Thức Trẻ