Đảo lộn sinh hoạt vì người giúp việc 'mất hút'

Thứ năm, 18/02/2016, 09:40
Dù đã kết thúc đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, câu chuyện thiếu người giúp việc vẫn đang là “cơn ác mộng” đối với nhiều gia đình ở các thành phố lớn.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, dù đã cố gắng “giữ chân” người giúp việc (NGV) bằng cách thưởng hơn 1 tháng lương là hơn 5 triệu đồng, nhưng gia đình chị Phạm Khánh Vân (Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn… thất bại! Sau Tết, chị lại tiếp tục canh cánh nỗi lo NGV “nhảy việc” hoặc bỏ việc. Bởi lẽ, dù hứa sẽ bắt đầu lên làm việc vào mùng 6 Tết nhưng cách đây vài hôm, NGV nhà chị lại gọi điện xin khất đến ngày 20 âm lịch để… ăn rằm.

Dù được trả mức lương cao nhưng không ít NGV vẫn viện “hàng tá” lý do để khất lần công việc sau Tết.

Mỏi mắt chờ NGV

Câu chuyện của gia đình chị Khánh Vân chỉ là một trong vô vàn chuyện bi hài xoay quanh vấn đề muôn thuở: NGV ngúng nguẩy làm cao trong dịp Tết, hoặc về quê rồi mất hút không lên.

Trong thời gian chờ NGV từ quê lên, chị Vân đành phải thuê NGV theo giờ thay thế tại một trung tâm môi giới việc làm với mức giá cao ngút là 800.000 đồng/ngày! Ra Tết, công việc bề bộn, thời gian chăm lo nhà cửa hạn chế trong khi NGV cũ vẫn “lặn mất tăm” khiến chị vẫn phải bấm bụng chấp nhận “rút ví” vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Cũng giống chị Vân, gia đình chị Thu Thảo (ở Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội) cũng phải “chạy đôn chạy đáo” nhờ người quen ở quê mới tìm được một NGV tạm thời trong thời gian NGV cũ về quê ăn Tết.

Nắm bắt được tâm lý của NGV mới chấp nhận xa gia đình, người thân để đi làm trong dịp Tết nên chị Thảo sẵn sàng trả lương cao hơn ngày thường là 500.000 đồng/ngày để nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc trẻ con trong mấy ngày Tết.

Ra Tết, chị Thảo ngán ngẩm: “NGV cũ cũng đã theo mình qua 2 mùa Tết trước. Năm nay biết mình trả lương cho NGV tạm thời với giá cao hơn nên chị này cũng khăng khăng đòi tăng lương sau Tết lên 7 triệu đồng/tháng. Nếu gia đình không chấp thuận có khả năng sẽ bỏ việc hoặc tìm chỗ mới. Nghĩ đến cảnh phải đi tìm NGV mới rồi lại cầm tay chỉ việc lại từ đầu mình đã thấy nản vô cùng”.

Chính vì lý do trên, chị Thảo đã “hòa giải” với NGV cũ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Dù đã đồng ý song người này vẫn đưa thêm điều kiện là xin nghỉ nốt đến sau rằm tháng Giêng.

Giá tăng vọt

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại một số công ty chuyên cho thuê NGV, tiền thuê NGV sau Tết đang neo ở mức khá cao. Nếu như cận Tết Nguyên đán, nhu cầu chủ yếu là thuê người dọn dẹp theo giờ, mức giá đã tăng gấp 3 lần so với ngày thường là từ 50.000 - 70.000 đồng/giờ lên 150.000 - 200.000 đồng/giờ.

Sau Tết, nhiều gia đình lại “rộ” lên nhu cầu thuê NGV theo ngày với mức giá rất “chát” từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày tùy theo gói dịch vụ NGV phổ thông hay chuyên nghiệp.

Lý giải nguyên nhân vì sao tiền thuê NGV tăng cao trong dịp sau Tết Nguyên đán, chị Phương Uyên - làm việc tại Cty cho thuê NGV tại quận Cầu Giấy - cho biết: “Phần lớn khi ra Giêng, NGV tại các gia đình đều muốn về quê ăn Tết đến qua rằm để nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, người thân. Chính vì điều này, còn rất ít người ở lại làm việc. Nhiều khi khách hàng có nhu cầu nhưng Cty cũng đành bó tay vì chẳng kiếm đâu ra người. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến mức tiền thuê NGV dịp sau Tết tăng vọt".

Như vậy, dù đã kết thúc đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, câu chuyện thiếu NGV vẫn đang là “cơn ác mộng” đối với nhiều gia đình ở các thành phố lớn. Đặc biệt, dịp Tết và sau Tết, dù có mức lương dao động từ 4.000.000 - 8.000.000 đồng/tháng, tức là cao hơn từ 2-4 lần lương của một cử nhân mới ra trường làm việc trong cơ quan nhà nước, nhưng không ít NGV vẫn viện lý do để khất lần.

Việc tìm người giúp việc đang là chuyện nan giải với nhiều gia đình, vì ngoài việc xin nghỉ Tết dài ngày đến gần hết tháng Giêng, nhiều NGV còn đòi tăng lương, hoặc có cơ hội là “nhảy việc”.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn