Khi showbiz đi vào hoạt động mang tính chuyên nghiệp, mỗi nghệ sĩ tham gia thị trường biểu diễn đều cần người quản lý công việc, giờ giấc tập luyện chuyên môn, giao dịch sô diễn, quan hệ công chúng, báo chí... Ở showbiz Việt, quản lý “sao” tuy là danh hão nhưng được lạm dụng một cách tùy tiện nên gây nhiều rối loạn, tạo kẽ hở cho những thành phần bất hảo trục lợi.
Chỉ là người nhận sô diễn
Cho đến nay, Hoàng Tuấn (Tuấn Thaso), người quản lý của ca sĩ Đan Trường, vẫn là hình mẫu đúng chuẩn quản lý ca sĩ của showbiz Việt. Quản lý phải là người nắm rõ khả năng phát triển, thậm chí định hướng được đường đi của nghệ sĩ mà họ đang giúp. Nếu xét theo tiêu chí này, người được xem là quản lý ở showbiz Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Hiện nay, để một tài năng phát huy được, cần có chiến lược phát triển và một ê-kíp thực hiện chiến lược đó” - ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết. Nếu chỉ xem quản lý là người nhận sô diễn thì tài năng khó mà phát triển được. Không ít ca sĩ đã phải thốt lên rằng “quá mệt mỏi khi phải tự làm rất nhiều việc”. Bởi lẽ, người quản lý của họ chỉ có thể nhận sô, sắp lịch diễn, còn việc chuyên môn gần như mù tịt.
Tại thị trường giải trí của nhiều nước, một giọng ca hay nhóm hát chỉ ở mức trung bình khá vẫn có thể trở thành hiện tượng hoặc ngôi sao hàng đầu vì họ có chiến lược phát triển bài bản, được hỗ trợ với cả ê-kíp mà người quản lý là đầu tàu, trung tâm chi phối cũng như kiểm soát mọi hoạt động của nghệ sĩ. Trong khi đó, ở thị trường giải trí Việt, nghệ sĩ phải làm mọi việc.
Không có khả năng hoạch định chiến lược
Những ngôi sao đã có chỗ đứng như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Phương Thanh, Thanh Thảo, Lam Trường... - tức thế hệ ca sĩ những năm 1980-1990 - đều không sử dụng người quản lý. Những giọng ca này đều tự thân vận động và họ thừa khả năng để biết mình nên theo đuổi dòng nhạc, phong cách nào.
Ngược lại, với những tên tuổi mới nổi, họ ý thức cần phải có một người quản lý để hoạch định đường hướng phát triển sự nghiệp cho mình. Ở mặt nào đó, những giọng ca này không có khả năng định hướng phát triển cho bản thân. Đó là lý do các ca sĩ trẻ như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Tóc Tiên..., thậm chí cả Hồ Ngọc Hà, đều cần có sự góp sức của người quản lý để đạt được nhiều thành công hơn.
Công tâm đánh giá thì ở thị trường giải trí Việt cũng có vài người quản lý biết nghề, theo đúng chuẩn chung của thế giới. Một trong những công việc quan trọng nhất của họ là hoạch định đường hướng phát triển cho “gà” của mình để tìm được vị trí nhất định trên thị trường giải trí.
Ngoài những buổi diễn, ca sĩ được sắp xếp thời gian đầu tư cho con đường phát triển dài lâu, tạo ra sản phẩm âm nhạc thực sự khác biệt với những gì đã có. Để có được sự khác biệt ấy, người quản lý phải lên kịch bản cho những ý tưởng, hoạt động sẽ diễn ra sau đó. Quản lý cũng phải là người có chuyên môn, giỏi nắm bắt xu hướng thị trường và nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Theo người trong giới, với vai trò quản lý ngôi sao thực sự, Việt Nam chưa có ai. Tuy nhiên, hầu hết nghệ sĩ trẻ, hoa hậu, người mẫu tham gia thị trường giải trí đều có quản lý. Mọi giao dịch với khách hàng, báo giới, công chúng đều phải qua người quản lý, nói đúng hơn là người đại diện. Đây chính là kẽ hở để không ít kẻ lợi dụng danh nghĩa người của các ngôi sao nhằm lừa đảo, trục lợi cho cá nhân.
Ăn may, “ma lanh” Thành công của vài người ở vai trò quản lý ca sĩ nhiều khi chỉ nhờ ăn may và “ma lanh” hơn người cùng nghề mà thôi. Thực tế, vài người quản lý được xem là “mát tay” nhưng không phải do tài năng hoạch định chiến lược phát triển cho nghệ sĩ mà nhờ có khả năng quan hệ tốt với giới bầu sô. Được đánh giá là người có khả năng xây dựng chiến lược phát triển tốt nhưng Mai Lâm, quản lý của ca sĩ Chí Thiện, hay Quang Huy, quản lý của Sơn Tùng M-TP, lại không chinh phục hoàn toàn công chúng. Nếu Mai Lâm không biết tận dụng cơ hội tỏa sáng của Chí Thiện ở điện ảnh để phát triển nghề hát cho “gà” của mình thì Quang Huy lại cho thấy định hướng hơi “tà tâm”, như cách nói của người trong giới. “Không thể đòi hỏi hơn những gì đang có ở Việt Nam, bởi chẳng ai làm quản lý mà được đào tạo. Nếu muốn làm một người quản lý thực sự, chúng tôi có thể sang nước ngoài học nhưng mấy ai có tiền và nghĩ đến điều ấy?” - một người quản lý băn khoăn. |