Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được công chúng đón nhận không phải vì những chiêu trò PR rầm rộ mà ở những cảnh quay đậm chất nghệ thuật, câu chuyện được kể chặt chẽ, logic... PR phim bằng chính chất lượng phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đang trở thành “của hiếm” trong làng phim Việt.
Muôn kiểu PR phim
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh “nóng” ngay từ khi chưa ra rạp. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn với hàng loạt tác phẩm bestseller của Việt Nam - Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều khán giả tò mò rằng, không biết khi lên phim, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có điểm gì khác so với truyện và đạo diễn có thể chuyển tải được những thông điệp nghệ thuật có sức lay động hàng triệu độc giả qua nhiều thế hệ mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm. Khán giả đã bị “đốn tim” bởi những hình ảnh, trailer phim “đẹp lung linh” của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đưa lên các phương tiện truyền thông trước khi phim ra rạp. Không PR phim bằng những chiêu trò, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tiếp cận khán giả bằng chính những hình ảnh đẹp, giản dị trong phim. Đây là điều rất khác so với nhiều phim Việt ra rạp thời gian gần đây khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Thay vì PR phim bằng chiêu trò “câu khách”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chinh phục khán giả bằng chính chất lượng phim |
Cư dân mạng từng xôn xao bàn tán về nghi án “phim giả tình thật” giữa Trường Giang và Nhã Phương - hai diễn viên chính trong phim 49 ngày (đạo diễn Nhất Trung) ra rạp hồi đầu tháng 9. Tình yêu trong giới nghệ sĩ luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ là điều dễ hiểu nhưng điều quan trọng là thông tin này lại xuất hiện vào đúng thời điểm bộ phim 49 ngày ra rạp. Nhã Phương, Trường Giang không lên tiếng thừa nhận hay phủ nhận mối quan hệ giữa hai người. Sự quan tâm của khán giả về mối quan hệ của Nhã Phương và Trường Giang càng lớn bao nhiêu thì 49 ngày càng gây tò mò bấy nhiêu. Đến thời điểm này, mối quan hệ giữ hai người cũng thưa dần trên các phương tiện truyền thông và không ít người cho rằng, đó cũng chỉ là một trong vô số chiêu trò mà nhà sản xuất phim muốn “dựng” lên để PR cho “đứa con tinh thần” của mình.
Khi ra rạp hồi trung tuần tháng 8, Hy sinh đời trai khiến khán giả vô cùng thất vọng vì những gì diễn ra trong phim không giống với quảng cáo trước đó. Hy sinh đời trai gây chú ý vì có sự tham gia của hàng chục ngôi sao tên tuổi trong làng giải trí Việt, đặc biệt là “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà. Trên tấm poster quảng cáo phim, hình ảnh Hồ Ngọc Hà được đặt trang trọng ở chính giữa với “đôi chân dài miên man” khiến khán giả kỳ vọng, nữ ca sĩ gốc Quảng Bình sẽ có một vai diễn ấn tượng trong phim. Thông tin về cảnh nóng giữa Hồ Ngọc Hà và vai diễn do Tấn Beo thủ vai tiếp tục gây tò mò cho khán giả.
Trái ngược với dự đoán, Hồ Ngọc Hà chỉ xuất hiện vài giây ngắn ngủi với vai trò diễn viên khách mời và cảnh nóng của cô và Tấn Beo như đồn đoán cũng chẳng thấy đâu. Có thông tin cho rằng, fan của Hồ Ngọc Hà rất tức giận về việc này và Hồ Ngọc Hà cũng bực mình vì hình ảnh của mình bị sử dụng để PR thái quá.
Tương tự như Hồ Ngọc Hà, lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách cũng từng xuất hiện với tư cách khách mời vài giây trong bộ phim Tết 2012 Hello cô Ba (đạo diễn Nguyễn Quang Minh) nhưng lại được PR như “át chủ bài”. Vào thời điểm đó, Phạm Văn Mách vừa bước ra khỏi cuộc thi “Cặp đôi hoàn hảo” và là “nhân tố lạ” trong làng giải trí Việt.
Công nghệ PR tỷ lệ nghịch với chất lượng phim?
Thực tế cho thấy, phim được quảng bá rầm rộ không phải lúc nào cũng đi kèm với chất lượng nghệ thuật. Được PR bằng chuyện tình cảm của Nhã Phương và Trường Giang nhưng 49 ngày chưa hẳn đã làm thỏa mãn nhu cầu khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng, 49 ngày là bộ phim “xem được” với đề tài mới mẻ, ly kỳ và có nhiều “đất” diễn cho diễn viên. Tuy nhiên, kịch bản phim bị cho là “hao hao giống” dòng phim Hàn Quốc, một số lời thoại trong phim “sến”, nhàm và giáo điều. Đoạn cuối phim bị chê là chuyển hướng mạch phim quá nhanh từ hài sang bi khiến tình tiết phim trở nên phức tạp, mạch cảm xúc bị đứt gãy.
Mặc dù diễn viên Trung Dũng không ngần ngại nhận mình là người đồng tính và sẵn sàng cưới người đồng tính khi Lạc giới (do Trung Dũng lên ý tưởng, viết kịch bản; đạo diễn Phi Tiến Sơn) chuẩn bị ra mắt nhưng bộ phim vẫn bị đánh giá là “chưa tới tầm”. Lạc giới gây tò mò vì là bộ phim Việt đầu tiên đề cập đến hiện tượng lưỡng tính nhưng bị đánh giá là thiếu sự logic trong cách dẫn truyện. Mối quan hệ vồ vập giữa Trung (Trung Dũng đóng) và Kim (Mai Thu Huyền đóng) không phù hợp với tâm lý nhân vật khi Kim được xây dựng với mẫu hình phụ nữ thông minh, xinh đẹp lại nhanh chóng rơi vào lưới tình của một tên tội phạm bặm trợn. Bên cạnh đó, Kim là nhân vật “mấu chốt” của tác phẩm nhưng gây thất vọng với lối diễn xuất chưa khai thác được nội tâm của nhân vật.
Tương tự như vậy, kịch bản Hy sinh đời trai quá đơn giản, giống như một video clip âm nhạc. Người xem không thấy sợi dây xuyên suốt trong phim, tình tiết phim không rõ ràng, không có cao trào, kịch tính. Trên các diễn đàn mạng, khán giả đã “nhặt” ra hàng loạt tình tiết phi lý, tình huống hài vụn vặt như nhân vật chính (do Tấn Beo thủ vai) ở cảnh diễn trước tỏ ra là một người giỏi võ thì ngay ở cảnh sau lại bị đánh đập thậm tệ; cảnh diễn trước mẹ của nhân vật chính bị bắt cóc để uy hiếp thì ngay cảnh sau đã có thể bình thản nói chuyện như chưa có chuyện gì xảy ra. Là một phim ca nhạc nhưng do đưa quá nhiều ca khúc thuộc nhiều thể loại khác nhau với tần suất dày đặc khiến Hy sinh đời trai trở nên hỗn tạp, thiếu chọn lọc. Rõ ràng, chất lượng Hy sinh đời trai chưa tương xứng với sự quảng bá rầm rộ trước đó.
Không khó để “điểm danh” những bộ phim Việt được PR rầm rộ nhưng chất lượng phim lại không tương xứng. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, PR phim là việc làm cần thiết nhưng lựa chọn cách quảng bá phim và tiếp cận khán giả như thế nào là việc làm rất đáng quan tâm. Thiết nghĩ, cốt lõi để phim chiếm được cảm tình của khán giả là chất lượng phim chứ không đơn thuần là những chiêu trò câu khách. Chất lượng phim tốt sẽ tạo được niềm tin ở khán giả và góp phần xây dựng thương hiệu cho đạo diễn, nhà sản xuất. Đây mới là điều cần làm, nên làm, phải đầu tư để phát triển điện ảnh Việt. Câu chuyện của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là một minh chứng sinh động cho điều đó.
Theo SKĐS