Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Wort của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ |
“Chúng tôi có năng lực đối phó loại tên lửa không đối không của Trung Quốc”, VOA ngày 17/2 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Trong khi đó, một quan chức khác của Mỹ nói, Washington sẽ duy trì luật pháp quốc tế và củng cố trật tự tại Biển Đông. “Điều đó sẽ không thay đổi”, quan chức này nhấn mạnh.
Các quan chức Mỹ đều đồng tình rằng, việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Các ảnh vệ tinh trên do hãng ImageSat International (ISI) chụp, cho thấy 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 14/2. Các quan chức Mỹ và Đài Loan xác nhận sự việc.
Tên lửa của Trung Quốc điều ra là hệ thống phòng không HQ-9, gần giống với hệ thống tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có phạm vi hoạt động khoảng 200km, tạo ra mối đe doạ với mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, hoạt động gần đó. Các chuyên gia phân tích cho rằng, HQ-9 là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất được triển khai tới một đảo ở Biển Đông.
Hình ảnh về hệ thống phòng không mà Bắc Kinh điều tới Phú Lâm xuất hiện khoảng một tháng sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nước này “sẽ không quân sự hóa” Biển Đông. Tuy nhiên, ông này ngang nhiên nói, Bắc Kinh có quyền triển khai “vũ khí tự vệ”. Một quan chức quốc phòng Mỹ lập tức bác bỏ quan điểm này của Trung Quốc. “Đó là hệ thống tự vệ ư? Là cách để đảm bảo an toàn hàng hải chăng?... Rõ ràng là không”, quan chức giấu tên nói với VOA.
Bill Urban, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng, cơ quan này lo ngại trước động thái mới nhất của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm. Trong khi Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, nhận định động thái này đi ngược lại cam kết không quân sự hóa khu vực của Bắc Kinh. "Nó là dấu hiệu rõ ràng về hành động quân sự hoá", ông Harry nói.
Theo Zing