Các bến xe có nhiệm vụ không cho xuất bến những xe không có đầy đủ thông tin trên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải, bến xe vẫn phớt lờ quy định này.
Lên xe là mù tịt
Trong 280 trường hợp hành khách phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia dịp Tết vừa qua, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, dù được hỏi nhưng có rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn của hành khách không thể cho biết rõ được biển số xe vi phạm.
Lý do được hành khách nêu ra, ông Thái dẫn lại thông tin, trên xe nhà xe không hề ghi BKS cũng như giá vé, lịch trình đi, đến và số điện thoại đường dây nóng…
“Đây là nguyên nhân khiến nhiều thông tin phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ của xe khách trong các dịp lễ, tết không có cơ sở để Ủy ban ATGT Quốc gia chuyển ngay cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường”, ông Thái nói.
Thực tế trên cũng diễn ra với rất nhiều trường hợp được Tiền Phong phản ánh những ngày qua. Ví như, sáng mùng 3 Tết (10/2), nhiều hành khách ra bến xe Giáp Bát bắt xe về Thanh Hóa cho biết, họ ra bến xe và lên xe giường nằm của nhà xe Ngọc Sơn. Khi xe chạy ra đường và thấy nhà xe này bắt thêm nhiều khách và thu giá vé cao, một số hành khách đã phản ánh sự việc đến PV Tiền Phong.
Ảnh chụp trên xe giường nằm của nhà xe Ngọc Sơn ngày mùng 3 Tết. |
Tuy nhiên, thông tin mà hành khách phản ánh chỉ là tên nhà xe, tuyến đường đang đi, không có thông tin biển số xe. Cuối cùng, nhờ việc nhà xe Ngọc Sơn cho hành khách vào nghỉ ở một quán nước ven đường, hành khách mới lấy được biển số xe và gửi cho chúng tôi.
Điều này cũng xảy ra tương tự với các xe khách chặt chém mà Tiền Phong đã thông tin những ngày qua, như xe của nhà xe Hà Hương và xe chạy tuyến Thanh Hóa - bến Giáp Bát…
Doanh nghiệp, bến xe vẫn phớt lờ
Thực tế tại nhiều bến xe trên địa bàn Hà Nội những ngày qua, PV ghi nhận, vẫn có nhiều xe khách rời khỏi bến xe mà không niêm yết các thông tin trong xe, đặc biệt là biển kiểm soát. Ngày 18/2, tại bến xe Mỹ Đình – bến xe có lượng xe ra vào lớn nhất Hà Nội hiện nay, chúng tôi ghi nhận, khu vực xuất bến của xe khách chạy các tuyến như Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc… nhiều xe không niêm yết biển kiểm soát.
Tại khu vực đỗ dành cho xe chạy tuyến Vĩnh Phúc, một số xe có ghi các thông tin giá vé, tuyến hành trình, đường dây nóng nhưng không có biển số xe; với xe chạy Mỹ Đình - thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) bên trong chỉ thấy ghi tên nhà xe “Thanh Thúy”, bên dưới là số điện thoại di động nhưng do không ghi đơn vị chủ quản nên hành khách không biết của ai. Giống như một số xe chạy tuyến Vĩnh Phúc khác, xe ngày hôm qua cũng không ghi biển số xe bên trong khu vực hành khách ngồi.
Tại bến xe Lương Yên chiều hôm qua, chúng tôi thấy khu vực xuất phát dành cho khách của hãng vận tải Đức Phúc không niêm yết biển số cũng như thông tin theo quy định. Đơn cử như bên trong xe không có bất kỳ một thông tin nào được dán phía trong xe. Đối với xe trên chỉ niêm yết về lộ trình xe là tuyến Quảng Ninh - Lương Yên cùng với số điện thoại nóng duy nhất là 0948.212.268, nhưng do số điện thoại không ghi đơn vị chủ quản nên hành khách không biết đây là đường dây nóng của đơn vị nào.
Trong chiều qua, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với ông Đoàn Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vận tải Thanh Sơn (đơn vị đăng ký thương hiệu xe Đức Phúc), ông Dũng cho biết, đơn vị đã thực hiện đầy đủ việc niêm yết thông tin theo quy định là lộ trình đi, đường dây nóng.
Tuy nhiên, khi phóng viên thông tin về các xe tại bến Lương Yên, ông Dũng thừa nhận, đây là xe của đơn vị mình. Đối với các thông tin về xe trên, ông Dũng cho biết, sẽ cho kiểm tra.
Ông Nguyễn Trọng Thái, chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, dù được hỏi nhưng có rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn của hành khách không thể cho biết rõ được biển số xe vi phạm.
Theo Tiền Phong