Đồng ruộng nứt toác, nước nhiễm mặn ở miền Tây

Thứ hai, 22/02/2016, 11:49
Hạn và xâm nhập mặn năm nay đến sớm hơn 2 tháng và lấn sâu vào nội đồng ở miền Tây. Đây là đợt thiên tai nghiêm trọng trong 100 qua, hàng trăm nghìn ha hoa màu bị ảnh hưởng.
Một cách đồng ở Bạc Liêu đất nứt nẻ, người dân bỏ hoang.
Dự báo xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ có khả năng tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 2/2016 mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4 g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 70km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5/2016.
Hiện nay mặn xâm nhập gần như toàn bộ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nước mặn đã vào gần 1/2 diện tích các tỉnh Kiên Giang, một phần phía Đông tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An. Tại thị xã Tân An (Long An) cách biển hơn 70km, độ mặn đo được từ 10 - 12g/l, vượt khả năng chịu đựng của cây trồng. Trong ảnh: Các nuôi của nông dân Bến Tre chết trắng kênh vì nước nhiễm mặn.
Theo Bộ NN-PTNT, vụ lúa Đông-Xuân 2015 - 2016, toàn vùng ĐBSCL có trên 1,5 triệu ha. Trong đó hơn 970.000ha lúa thuộc 8 tỉnh ven biển, chiếm hơn 62%, thì có đến 340.000ha đứng trước nguy cơ bị hạn, mặn và hiện có hơn 104.000ha bị ảnh hưởng nặng. Trong ảnh: Lúa của người dân ở Vĩnh Long bị cháy, không thể thu hoạch được.
Nông dân Nguyễn Hương (Vĩnh Long) cho biết diện tích bắp nhà ông bị cháy nắng, không có nước tưới nên đã chết hết, thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Tại Vĩnh Long, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nhiều vườn cây ăn trái chuyên canh bưởi da xanh, sầu riêng, xoài.Trong khi đó ở Hậu Giang và Vĩnh Long là vùng chuyên sản xuất cây ăn trái, nhưng từ sau Tết đến nay độ mặn lấn sâu, có nơi đo được trên 3%.
Theo ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, hiện nay các tuyến kênh trong tỉnh bị xâm nhập mặn lấn sâu vào 34 km nội đồng. Riêng tháng 6 - 7/2015 vừa qua, tại TP.Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng kéo dài gần 1 tháng.
Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống xâm nhập mặn nhằm đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và phòng chống cháy rừng.
Kiên Giang cũng đã cho đóng sớm các hệ thống cống ven biển Tây, đắp 82 đập ngăn mặn tạm với kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Giải pháp trước mắt của Bộ NN-PTNT đưa ra trong thời gian tới cần bố trí thời vụ sản xuất và xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và vụ mùa 2016 hợp lý, tránh hạn, mặn.Thời vụ lúa Hè Thu 2016 cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Theo Bộ, đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Mới đây, tại TP.Cần Thơ, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, do Bộ NN-PTNT phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND TP.Cần Thơ tổ chức... Phó thủ tướng nhận định, tình hình hạn và mặn ở ĐBSCL có thể diễn biến lâu dài, nên các địa phương phải chủ động ứng phó kịp thời. Cần sử dụng nguồn vốn ODA cho các công trình, dự án phòng chống thiên tai với tầm nhìn lâu dài, có hiệu quả.

Chính phủ giao Bộ NN-PTNT và Văn phòng Chính phủ dự thảo dự án phòng chống hạn và xâm nhập mặn với nguồn vốn 2.300 tỷ đồng ưu tiên cho khu vực Nam Trung Bộ và đặc biệt ĐBSCL. Các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu để ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ NN-PTNT rà soát quy hoạch thủy lợi và chuyển đổi vùng sản xuất, đưa ra các giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu với vùng mặn, lợ ở một số tỉnh ven biển.

Đối với vùng sản xuất lúa có mức độ thiệt hại trên 70%, các địa phương tạm ứng ngân sách theo chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Theo Zing

Các tin cũ hơn