Cá chết ven biển miền Trung được xử lý ra sao?

Thứ ba, 26/04/2016, 08:42
Cơ quan chức năng nói đã thu gom, tiêu huỷ cá chết ven biển để tránh ảnh hưởng môi trường. Còn dân kể rằng có nhiều thương lái cùng xe đông lạnh đã đến mua tất cả các loại cá.  

Ngày 25/4, các ngành chức năng 4 tỉnh miền Trung thông tin, tình trạng cá chết dạt bờ ở các địa phương cơ bản đã giảm. Phần lớn cá chết đã được thu gom để xử lý, chôn cất dọc bờ biển. Tuy nhiên, người dân cho biết, vẫn còn số ít cá chết không được thu dọn hoặc bị đưa đi nhiều nơi.

Phần lớn cá chết được thu gom, chôn ven biển

Theo ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Hà Tĩnh, vẫn còn tình trạng cá chết dạt vào bờ rải rác ở 2 xã Kỳ Nam, Kỳ Phương. Tuy nhiên, số lượng không đáng kể.

Sáng 25/4, Chi cục thuỷ sản Hà Tĩnh cùng với chính quyền các xã Kỳ Phương, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) đã tổ chức khảo sát các vùng biển đồng thời huy động người dân thu gom, xử lý cá chết.

Đoàn viên, thanh niên huyện Quảng Ninh xử lý cá chết tại xã Hải Ninh. Ảnh: Văn Được.

"Chúng tôi tổ chức thu gom cá chết nhưng số lượng cá dạt vào bờ chủ yếu là cá nhỏ các loại và không đáng kể", ông Lê Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương thông tin.

Thông tin từ Chi cục thuỷ sản Hà Tĩnh, số liệu thống kê cá chết trên địa bàn có khoảng 10 tấn cá biển cùng khoảng 37.000 con cá nuôi lồng bè. Chi cục cũng đã kiểm tra và không phát hiện được hiện tượng thu gom, mua bán hoặc chế biến cá chết trên địa bàn.

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, ông Trần Đình Du - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Quảng Bình cho biết, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các ngành liên quan cùng các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình trạng sử dụng tiêu thụ, chế biến cá chết. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp các địa phương tuyên truyền người dân không sử dụng nguồn cá chết để đảm bảo an toàn sức khoẻ, tính mạng.

Tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các huyện phối hợp với các ngành chức năng nhanh chóng thu gom, tiêu huỷ cá chết ven biển để tránh làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu tấn cá chết dạt vào các vùng biển Quảng Bình.

Tại Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, các ngành chức năng đã tích cực phối hợp với các địa phương thu gom, xử lý số cá chết dạt bờ. Theo đó, có khoảng 30 tấn cá chết được thu gom tại các vùng biển Quảng Trị.

Cá chết trôi nổi tự do?

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Quảng Bình cho biết, Bộ chỉ đạo các tỉnh tuỳ theo tình hình thực tế địa phương để kiểm soát nguồn thuỷ hải sản. Tỉnh Quảng Bình vẫn chưa khoanh vùng tạm thời nguồn thuỷ hải sản ra vào. Địa phương vẫn đang khuyến khích các tàu xa bờ ra khơi đánh cá để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trước mắt.

Chiều 25/4, rất nhiều tàu cá ở TP.Đồng Hới ra khơi đánh đánh bắt xa bờ. Ảnh: Văn Được.

Ông Du thông tin, cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp người dân hoặc tiểu thương thu mua nguồn cá chết để làm mắm muối hoặc chế biến thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy rất khó kiểm soát nguồn cá chết ngoài thị trường. Theo ghi nhận của Zing.vn, một số thương lái đã đến trực tiếp thu mua cá tại các vùng biển bãi ngang.

"Mấy ngày cá chết dạt bờ, một số xe đông lạnh đã đến đây thu mua cá do người dân vớt được hoặc nhặt trên bờ biển. Không biết họ mua rồi chở đi đâu", ngư dân Hoàng Thìn (53 tuổi, ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch) cho biết.

Liên tục trong các ngày 22 đến 24/4, người dân vùng bãi ngang ở thôn Nhân Thọ, phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đã dùng thuyền nan ra biển đánh cá gần bờ. Nhiều thương lái đến bãi biển này thu mua cá của người dân đưa vào.

"Hai ngày liền tôi ra bãi biển này xem tình hình, nhiều thương lái cùng xe đông lạnh đã đến mua tất cả các loại cá. Cá tươi sống thì người dân đem về ăn hoặc bán ở chợ còn cá chết thì họ bán cả và không biết số cá này được đưa đi đâu", ông Lê Thanh Thu (53 tuổi, trú phường Ba Đồn) nói.

Theo ông Du, cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp người dân hoặc tiểu thương thu mua nguồn cá chết để làm mắm muối hoặc chế biến thức ăn gia súc. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Bình thừa nhận, không loại trừ một số ít cá chết bị đưa ra ngoài hoặc đem bán tại các vùng miền núi.

Trong khi đó, tình trạng cá chết dạt bờ rải rác vẫn diễn ra tại bờ biển xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) và các xã Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).

Ghi nhận của Zing.vn tại Thừa Thiên - Huế cho thấy, người dân các xã Vinh Hiền, Vinh Hải không được hướng dẫn thu gom, xử lý cá chết theo quy định.

Cá chết nằm trên bờ biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Phạm Quang.

Trên bãi biển vẫn còn rất nhiều loại cá nhỏ nằm chết la liệt, bốc mùi nặng. "Cá chết dạt bờ, chúng tôi đào hố trên bờ biển để chôn loại lớn, cá nhỏ chết thì mặc kệ chứ không thể nhặt hết được”, ngư dân Nguyễn Văn Thanh (thôn xã Vinh Hải) nói.

Tại khu vực nhiều lồng bè nuôi cá ở xã Vinh Hiền, người dân tự giác thu gom cá chết nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào các loại cá lớn. Cá nhỏ nằm la liệt trên bãi biển mà không hề được thu gom, xử lý.

Nhiều người dân cho biết, họ chưa hề được cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương hướng dẫn cụ thể để xử lý cá chết. Số cá nuôi chết trong lồng được các hộ dân vớt ra rồi vứt xuống sông để nước cuốn ra biển.

"Nhà tôi và các hộ dân khác đều vứt cá cho nó trôi ra biển hay đi đâu thì đi", ông Nguyễn Phương (người nuôi cá) trả lời phóng viên.

Theo Zing

Các tin cũ hơn