Cuối tháng 12/1998, gần 1.000 người tranh nhau lên xe buýt, tàu và xe đò để rời thị trấn Sihanoukville. Một số vụ tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra từ cuộc "chạy loạn" này của người dân Campuchia, như vụ xe đò chở hơn 20 người đâm vào xe tải nhỏ khiến nhiều người bị thương và 1 người chết.
Sihanoukville là một trong những khu nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng ở Campuchia. Nhưng nó nhanh chóng trở thành cơn ác mộng đối với người dân địa phương khoảng cuối năm 1998, sau khi họ phát hiện tập đoàn Formosa Plastics (Tập đoàn mẹ của tập đoàn Formosa đầu tư tại VN) đã đưa vào đây khoảng 5.000 tấn chất thải, bao gồm 3.000 tấn có nhiễm thủy ngân.
Một bé trai chơi gần nơi đặt các thùng container chứa chất thải của Formosa tại Sihanoukville. Ảnh tư liệu: BAN |
Theo báo New York Times, điều tra của Bộ Môi trường Campuchia cho biết Formosa đã nhập khối chất thải này và đưa đến Sihanoukville từ cuối tháng 11/1998.
Hơn 140 container chứa khối chất thải của Formosa bị bỏ lại ở một khu vực mở, không rào chắn, không biển cảnh báo, mà ai cũng có thể vào.
Mỗi ngày, một số người đến đây nhặt các bao tải mang về nhà đựng rác, thậm chí là đựng gạo.
Vài ngày sau, họ gặp nhiều triệu chứng bất thường, như sức khỏe suy giảm đáng kể và bị tiêu chảy.
Nghi ngờ bãi chất thải có thể chứa chất độc, người dân đã phản đối dữ dội về vụ việc với chính quyền địa phương. Quan chức môi trường ở thị trấn khi đó hứa tiến hành điều tra, đồng thời cho biết sẽ sử dụng bao nilon để bọc khối chất độc cho đến khi tìm ra cách xử lý.
Căng thẳng đạt đến đỉnh điểm sau cái chết của một nhân viên làm việc tại cảng ở Sihanoukville. Anh này chính là người đã dọn dẹp con tàu chở các chất thải của Formosa chuyển từ Đài Loan đến Campuchia.
Do bất bình, người dân giận dữ kéo đến đập phá một khách sạn của tập đoàn, tổ chức biểu tình ở các cơ quan cho phép nhập khẩu chất thải.
Trước sự phản đối của người dân Campuchia, tập đoàn Nhựa Formosa thanh minh rằng họ đã được chính quyền đảo Đài Loan và chính phủ Campuchia cho phép về việc vận chuyển chất thải vào đây.
Formosa nói cơ quan môi trường ở Đài Loan và Campuchia cũng đã xác nhận những chất này an toàn để chôn trong đất. Tuy nhiên, điều quan trọng là Formosa đã giấu nhẹm việc thành phần khối chất thải có chất độc thủy ngân.
Đoàn công tác Campuchia kiểm tra tình hình khu vực Formosa bỏ chất thải ở Sihanoukville. Ảnh tư liệu: BAN |
Một quan chức chính quyền đảo Đài Loan tiết lộ, xét nghiệm của một tổ chức môi trường cho thấy nồng độ thủy ngân trong lượng chất thải của Formosa vượt ngoài mức quy định hợp pháp.
Theo Phnom Penh Post, quá trình điều tra cho thấy khối chất thải mà Formosa bỏ ở Sihanoukville có nồng độ thủy ngân vượt quá mức giới hạn an toàn đến 20.000 lần. Ngoài ra, các chỉ số về dioxin và chất polychlorinated biphenyls (PCB) cũng đều ở mức nguy hiểm.
Một số tờ báo cho biết 7 người dân ở Sihanoukville đã thiệt mạng với những lý do bị nghi là có liên quan đến nhiễm độc từ rác thải của Formosa, bao gồm 2 người có triệu chứng nhiễm thủy ngân cấp tính.
Ngoài ra, 4 người chết vì tai nạn giao thông khi trên đường sơ tán khỏi thị trấn.
Khoảng 30% người dân Sihanoukville phải sơ tán khỏi thị trấn do lo ngại bị nhiễm độc. Ảnh: BBC |
Nhiều người cũng bị thương trong những vụ biểu tình bạo lực của người dân Sihanoukville để phản đối việc chính quyền sở tại cho phép Formosa đưa chất độc đến đây.
Tuy nhiên, chính phủ Campuchia phủ nhận việc có người thiệt mạng do ảnh hưởng từ chất thải độc hại. Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia khi đó là Bill Pigott, cũng nói "không ghi nhận báo cáo tử vong nào, ngoài việc nhiều người bị bệnh" trong vụ việc này.
Dưới sức ép dư luận, ngày 31/12/1998, Formosa đã chính thức công khai xin lỗi vì "gây xáo trộn cuộc sống của người dân Campuchia", theo báo Guardian.
Đầu tháng 3/1999, trưởng đoàn công tác của chính phủ Campuchia với Formosa, ông Om Yen Tieng, thông báo Phnom Penh đã ra lệnh cho tập đoàn Đài Loan này phải dọn dẹp và đưa toàn bộ khối chất thải rời khỏi Campuchia trước ngày Tết truyền thống của người Khmer.
Theo kế hoạch, Formosa được phép tăng gấp 3 số nhân viên làm việc ở Sihanoukville để bảo đảm tiến độ dọn dẹp. Toàn bộ công việc này sẽ do công ty CMD (Mỹ) giám sát độc lập. CMD cũng từng là đơn vị được chính phủ Mỹ chỉ định xử lý những trường hợp xả thải gây ô nhiễm.
Tuy khối chất độc đã được đưa rời khỏi Campuchia, nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề làm sao Formosa được đưa chúng vào Sihanoukville vẫn chưa được xử lý triệt để.
Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, khi đó là Hoàng thân Norodom Ranariddh, nói một số quan chức đã nhận hối lộ khoản tiền đến 3 triệu USD để "bật đèn xanh" cho Formosa đưa chất độc từ Đài Loan vào Campuchia. Formosa đã phủ nhận thông tin này.
Theo BBC, hơn 100 quan chức Campuchia đã bị đình chỉ chức vụ, nhưng chỉ 3 người bị buộc tội gây nguy hại đến tính mạng nhân dân và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tổng giám đốc một công ty nhập khẩu ở Campuchia, 2 đối tác người Đài Loan và phiên dịch viên của họ cũng bị khởi tố.
Theo Zing