Ông Hoàng Dật Thuyên đang giới thiệu hệ thống quan trắc tự động của FHS. |
Tìm hiểu về các hóa chất do Công ty Formosa nhập về (theo cung cấp của Hải quan Hà Tĩnh), PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, hầu hết các hóa chất này đều thuộc nhóm diệt sinh vật, cực kỳ nguy hiểm, đã được châu Âu và Mỹ khuyến cáo cấm tuyệt đối không được ăn, không được tái sử dụng và đặc biệt chỉ được sử dụng trong các hệ thống kín, có nghĩa là nếu dùng hóa chất tẩy rửa thì không được tẩy rửa ở bề mặt bên ngoài mà chỉ được tẩy rửa ở bên trong. Đặc biệt các hóa chất này phải được loại bỏ trước khi ra môi trường vì chúng cực kỳ nguy hiểm.
Một chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ông cũng nghi ngờ việc súc rửa đường ống xả thải của Formosa là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, hiện chưa đủ cơ sở để chứng minh điều này vì chưa có kết quả phân tích. Công tác phân tích đang được Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường thực hiện.
Ông cũng cho biết thêm, các hóa chất mà phía Formosa sử dụng súc rửa đường ống rất độc. Tuy nhiên khi ra môi trường sẽ dễ bị hòa tan. Vì thế, các hóa chất này có thể được thải cùng một nước làm mát tích tụ lâu ngày thì mới gây ra cá chết diện rộng như thế. Ông này cũng cho biết, hệ thống quan trắc tự động của Formosa chỉ ghi nhận được các chỉ tiêu thông thường, không thể phát hiện độc tố.
Nên tập trung vào muối của các kim loại nặng
Vị chuyên gia về xử lý nước thải cho rằng, việc xử lý kim loại ra khỏi nước thải là rất khó, nếu muốn xử lý đạt chuẩn trước khi thải thì chi phí xử lý là rất cao. Thông thường, để loại 1mg/l kim loại ra khỏi hệ thống thường mất khoảng 10-20mg/l hóa chất xử lý. Trong khi đó trong quá trình tẩy rửa và thụ hóa bề mặt, hàm lượng kim loại trong nước xả là lên tới hàng trăm mg/l. Vì vậy, muốn xử lý triệt để chi phí sẽ đội lên rất cao nên các nhà máy luôn tìm cách đẩy nước thải này ra môi trường bằng cách này hoặc cách khác.
Trong khi đó, chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc lấy mẫu tiến hành sau khi sự việc xảy ra nên không dễ phát hiện thành phần độc tố còn lưu lại. Tuy nhiên, kiểu gì cũng còn lưu lại dấu vết của độc tố trong mẫu nước thải.
Loại bỏ nguyên nhân do động đất, tràn dầu
Theo Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 18/4, đơn vị này đã cử tổ công tác để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân “Cá chết hàng loạt” tại vùng biển miền Trung. Tổ công tác đã tiến hành khảo sát tại hiện trường từ ngày 19- 24/4, tiến hành lấy 200 mẫu nước và trầm tích biển; 200 mẫu cá chết tại các điểm Vũng Áng, Đèo Ngang, Cửa Nhật Lệ, Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Chân Mây và Lăng Cô.
Kết quả phân tích ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các ảnh vệ tinh khác cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 06-24/4 chưa phát hiện các vụ tràn dầu lớn tại khu vực nghiên cứu nên nguyên nhân cá chết do tràn dầu đã được loại bỏ.
Các trạm địa chấn đặt tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế cũng không ghi nhận được trận động đất nào có độ lớn trên 5 độ richter xảy ra tại khu vực ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Do vậy hiện tượng sốc nhiệt do phá hủy bề mặt, bên trong vỏ hoặc những biến đổi địa tầng trong vỏ đại dương đã được loại trừ. Tổ công tác đang khẩn trương xác định tảo độc và phân tích các độc chất trong nước, trầm tích và các mẫu cá đã thu thập tại hiện trường.
Theo Tiền Phong