Không có kiểu đánh đổi như thế, Formosa!

Thứ ba, 26/04/2016, 11:21
Trong khi ngư dân ven biển miền Trung và người dân cả nước vẫn đang rất bức xúc trước nạn cá chết hàng loạt thì trước những thông tin và chứng cứ mà báo chí mấy ngày qua nêu ra được cho là có liên quan đến Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Ngày 25-4, giám đốc đối ngoại của công ty này, ông Chu Xuân Phàm, đã chính thức lên tiếng.

Ông Phàm nói trên Đài truyền hình VTC14 rằng: “Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại?”. Trên báo Tuổi Trẻ điện tử cùng ngày, ông Phàm cũng nói: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được…” Dù có giải thích lại trên báo điện tử vietnamnet.vn sau đó nhưng đối chiếu các nội dung ông Phàm nói trên VTC14 và báo Tuổi Trẻ điện tử, chúng tôi nhận thấy phát biểu trên là rất khó chấp nhận.

Nói trắng ra, thông điệp ông muốn gửi tới chúng tôi là một khi đã chấp nhận nhà máy thép của các ông thì chuyện tôm cá chết do nhiễm độc (nếu có do nhà máy gây ra đi chăng nữa) là chuyện chúng tôi phải chấp nhận. Đó là sự đánh đổi. Vâng, rất lạnh lùng và đầy thách thức.

Thưa ông Phàm, chắc là khi đến Việt Nam đầu tư, ông và công ty ông chắc chắn đã tìm hiểu luật pháp của quốc gia chúng tôi. Không có một quy định pháp luật lẫn đạo lý nào buộc nhân dân tôi phải chọn lựa cái giá phải trả như cách ông “chơi bài ngửa” trước công luận như thế!

Bởi lẽ môi sinh là thứ nếu đánh đổi để lấy một đồng lợi ích trước mắt thì cái giá phải trả về sau là gấp trăm ngàn lần, thậm chí là vô tận. Cái nhà máy thép của các ông có lớn cỡ nào, lợi ích tiền bạc mà các ông mang lại lớn cỡ nào thì cũng không thể không tính đến hậu họa đối với môi trường và sức khỏe của nhân dân chúng tôi.

Cũng nói chắc với ông rằng không thể có việc đổi lợi ích tiền bạc lấy môi trường, bởi thế là ăn vào tương lai của con cháu chúng tôi! Món nợ ấy sao trả nổi?!

Thế giới đang nhận diện rất rõ cái giá phải trả đối với môi trường sống của Trái đất và đang cùng chung tay cứu quả địa cầu của chúng ta tránh thảm họa môi trường. Chúng tôi nói như thế là để cho ông hiểu ra rằng ông và đất nước của ông chắc chắn cũng phải chịu lấy thảm họa ấy nếu mỗi người chúng ta không nhận thức rõ hậu họa của chính những việc mình đang làm.

Người Nhật Bản, một đất nước gần các ông từ rất lâu đã có một triết lý thật đáng để học hỏi, đại ý là: Mỗi người sinh ra đều là thành viên của xã hội, cùng hít thở chung một bầu không khí, cùng sống chan hòa dưới ánh nắng mặt trời. Vì thế người nào chỉ biết chằm chằm vào lợi ích của mình, mà không biết gì đến lợi ích chung của cộng đồng, ra tay hủy hoại các giá trị làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân loại thì đó chính là tội ác. Họ văn minh thế đó, thưa ông Phàm!

Tôi tin người dân đất nước ông hiểu thấu điều đó và hy vọng bản thân ông cũng hiểu lấy.

Chúng tôi nói rõ với ông một lần nữa, không thể có kiểu đánh đổi như ông nói! Chúng tôi không muốn vì sự tăng trưởng mà đánh đổi sức khỏe của nhân dân và tương lai con cháu chúng tôi!

Theo PLO

Các tin cũ hơn