Ba tháng đầu năm 2016, Formosa xả 931.830m3 nước thải ra biển

Thứ ba, 26/04/2016, 11:59
Tại Quảng Bình, cá chết trở lại sau vài ngày tạm lắng. Trong khi đó, Formosa thừa nhận dùng axit để súc rửa đường ống, đồng thời thừa nhận không thông báo cho chính quyền khi súc rửa “vì không biết quy định này”.
Ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội (giữa), và cán bộ Formosa Hà Tĩnh giới thiệu với PV Tuổi Trẻ về nhà máy xử lý nước thải

Sáng 25-4, phóng viên Tuổi Trẻ và kênh VTC14 có cuộc trao đổi với Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) xung quanh việc sử dụng hóa chất súc rửa đường ống và một vấn đề liên quan khác.

Lần súc rửa gần nhất 
vào tháng 3-2016

Trao đổi với PV, phía Formosa gồm có: ông Khâu Nhân Kiệt (giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường Formosa), ông Hoàng Dật Thuyên (giám đốc, phó ban an toàn vệ sinh môi trường) và ông Chu Xuân Phàm (trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội).

Trả lời câu hỏi về việc từ đầu năm đến nay Formosa tiến hành súc rửa đường ống mấy lần, lần cuối cùng là khi nào, ông Khâu Nhân Kiệt cho biết không thể nhớ mấy lần, chỉ nhớ lần gần nhất đây là vào khoảng tháng 3-2016.

“Trong quy trình súc rửa đường ống thì không chỉ dùng hóa chất mà chúng tôi còn dùng áp lực khí, áp lực nước (nước sạch)... để súc rửa. Về hóa chất súc rửa đường ống, chúng tôi dùng axit HCl, NaOH pha loãng. Sau quá trình súc rửa, các chất thải đều được xử lý an toàn theo tiêu chuẩn quy định mới thải ra môi trường (biển - PV)”.

Ông Khâu Nhân Kiệt cũng thừa nhận khi súc rửa không thông báo với cơ quan chức năng địa phương.

Trả lời việc vì sao không thông báo với cơ quan chức năng việc súc xả đường ống, ông Chu Xuân Phàm nói: “Chúng tôi không biết có quy định phải thông báo với cơ quan chức năng khi súc rửa đường ống, chỉ biết khi công trình hoàn thành muốn chạy thử thì phải xin phép. Chúng tôi sẽ xem lại các quy định, nếu có yêu cầu phải thông báo khi súc rửa đường ống thì các lần tới chúng tôi sẽ thông báo”.

Theo ông Phàm, “nếu Nhà nước thông báo là sai phạm thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm và chấp nhận bị xử lý theo pháp luật”.

Mẫu kiểm nghiệm 
đều do Formosa đưa đến

Ông Phàm cho biết nhà máy Formosa có hệ thống máy lấy mẫu tự động, khi phát hiện mẫu nước vượt ngưỡng quy định thì hệ thống này tự động ngắt xả và bơm trở lại để xử lý rồi mới thải ra.

Ngoài hệ thống máy tự động, các tổ làm việc còn chia ba ca để theo dõi, các ca làm việc đều lấy mẫu thủ công đưa về xét nghiệm xem có trùng với hệ thống xử lý của máy móc hay không.

Theo ông Chu Xuân Phàm, việc lấy mẫu để xử lý trong nội bộ nhà máy là thường xuyên và hằng ngày. Còn các mẫu xét nghiệm và các chỉ số quan trắc thì định kỳ ba tháng mới báo cho cơ quan chức năng (Sở TN-MT).

“Chúng tôi có thuê đơn vị độc lập là Trung tâm quan trắc kỹ thuật môi trường của Sở TN-MT tỉnh, định kỳ ba tháng một lần xuống lấy mẫu quan trắc về xét nghiệm. Lần gần nhất lấy mẫu cũng trong tháng 3” - ông Phàm cho hay.

Sau khi trao đổi, phía Formosa dẫn PV Tuổi Trẻ tham quan thực tế hệ thống xử lý nước thải của nhà máy.

Tại khu xử lý nước thải tập trung, ông Trần Vĩnh Long (ban giám đốc phòng năng lượng của công ty) cho biết ngày 11-12-2015 mới được phía cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép cho xả nước thải. Tổng lượng nước xả thải quý 1-2016 là 931.830m3, trong đó lượng xả thải bình quân mỗi ngày là 10.240m3.

“Tháng 2 và 3, Formosa có lấy mẫu nước thải gửi đến Trung tâm quan trắc tỉnh Hà Tĩnh kiểm nghiệm. Theo đó, chất lượng nước xả thải công nghiệp đều đạt theo tiêu chuẩn quy định. Tháng 3-2016 đã lấy mẫu nước biển tại vị trí thượng và hạ lưu để kiểm nghiệm, các số liệu kiểm nghiệm đều đạt chuẩn” - ông Long nói.

Ông Long còn nói nước thải được xử lý sẽ được bơm vào đường ống lớn có đường kính gần 1m đến bể chứa cuối cùng để theo dõi các chỉ số hệ thống quan trắc trước khi thải ra biển.

Tại trạm quan trắc tự động, ông Chu Xuân Phàm cho biết từ khi xả thải, trạm quan trắc tự động này luôn hoạt động, nếu phát hiện nước xả thải bất thường sẽ tự động dừng lại. Trạm này chưa truyền dữ liệu cho cơ quan quản lý vì chưa có đặt trạm quan trắc tại đây.

Trao đổi với PV,ông Phan Lam Sơn, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết quan trắc định kỳ của Formosa là theo quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Formosa có trách nhiệm phải gửi thông số và mẫu về các nơi như Bộ TN-MT, Sở TN-MT và Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh. Nếu các thông số và mẫu quan trắc có vấn đề thì cơ quan chức năng địa phương mới kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.

“Khi thấy nghi vấn thì cơ quan chức năng mới kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi không lấy mẫu định kỳ hay đột xuất kiểm tra. Họ tự lấy mẫu và thông số gửi cho cơ quan chức năng kiểm định là việc làm hợp lý, không có gì là không khách quan” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, về nguyên tắc, trước khi súc rửa đường ống phải thông báo với cơ quan chức năng theo quy định của ĐTM.

Ông Phan Lam Sơn thừa nhận việc Formosa thuê Trung tâm quan trắc kỹ thuật môi trường lấy mẫu và kiểm nghiệm độc lập định kỳ ba tháng/lần.

“Họ sẽ chịu trách nhiệm về thông số quan trắc của đơn vị, nếu thông số họ đưa ra là đạt chuẩn nhưng sau đó môi trường có vấn đề thì họ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Sơn nói.

Ông Lê Anh Đức, giám đốc Trung tâm quan trắc kỹ thuật môi trường, cũng xác nhận đang ký hợp đồng quan trắc với Formosa, “giá cả hợp đồng thế nào là chuyện trung tâm, chúng tôi không thể tiết lộ”.

Còn ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở TN-MT, cho biết chưa thể kết luận Formosa hay bất kỳ ai có liên quan trong vụ cá chết.

“Tất cả các cơ sở, doanh nghiệp có xả thải đều là đối tượng nghi vấn, kể cả Formosa hay Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng... Không loại trừ các hoạt động của tàu bè ngoài biển trong thời gian vừa qua” - ông Đinh nhấn mạnh.

Gửi mẫu ra nước ngoài tìm nguyên nhân

Chiều 25-4, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Cũng trong chiều qua, Tổng cục Môi trường tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Sau cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: “Bộ đang tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của VN để tập trung đưa ra nhận định, kết luận chính xác nhất. Thậm chí vẫn tiếp tục thuê các trung tâm có uy tín kiểm định các mẫu nên chưa thể nói cụ thể về kết quả”.

Trả lời câu hỏi của PV về việc có đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ tìm nguyên nhân cá chết, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói đến thời điểm này thì chưa quyết định mời tổ chức quốc tế nào hỗ trợ.

“Tuy nhiên, bộ đã gửi một số mẫu đi phân tích ở nước ngoài. Một số mẫu được gửi tới những trung tâm kiểm nghiệm có uy tín ở nước ngoài phân tích là một số mẫu mà VN chưa phân tích được” - ông Nhân cho hay.

Cùng ngày 25-4, Bộ NN&PTNT phát đi thông báo về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám xung quanh vụ cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Thông báo này cho rằng có thể do độc tố có độc lực mạnh.

Theo đó, kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường, các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.

“Nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc các yếu tố khác” - thông báo của Bộ NN&PTNT nêu rõ.

Trong khi chờ xác định nguyên nhân cá chết, Bộ NN&PTNT giao Sở NN&PTNT các địa phương tăng cường quan trắc môi trường, căn cứ thực tế địa phương, khi thấy điều kiện đảm bảo thì hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết

Sau khi nghe Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo tình hình kiểm tra thực địa về vụ cá chết tại tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến giao UBND các tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thủy hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại.

Đồng thời có đề xuất biện pháp hỗ trợ bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề. Không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ Khoa học và công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công thương, Y tế, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN chủ động phối hợp, hỗ trợ Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng cá chết bất thường tại các địa phương này, báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.

Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Bộ TN-MT và UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cùng các địa phương trong cả nước chủ động rà soát các dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng, về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích