Đại gia Lê Ân phản bác quan điểm của chính quyền tỉnh BR-VT

Thứ ba, 26/04/2016, 14:40
Đại gia Lê Ân cho rằng do những lời nói của đại diện UBND tỉnh BR – VT khiến tỉnh này hiểu sai bản chất vụ việc. Dẫn đến tình trạng sau 1 năm có bản án phúc thẩm nhưng VCSB vẫn chưa được thi hành.

Ngày 25/4, đại gia Lê Ân ngụ phường 12, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu (BR-VT) trình bày với PV về việc mới đây ông đại diện cho Hội đồng thanh lý Ngân hàng thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB) có gửi đơn khiếu nại đến ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy BR-VT để phản bác về việc “Đại diện UBND tỉnh BR- VT cho rằng TAND tỉnh không được thụ lý, xét xử vụ VCSB kiện UBND tỉnh BR-VT về việc thu hồi 20.000m2 đất của VCSB taị 141 Bình Giã, phường 8, TP.Vũng Tàu vì đã hết thời hiệu. Tài sản này tòa án tỉnh đã kê biên cấm chuyển dịch dưới mọi hình thức. Nhưng UBND tỉnh lại thu hồi bàn giao cho các đơn vị khác lập dự án, dẫn đến bản án phúc thẩm có hiệu lực hơn 1 năm vẫn chưa được thi hành” .

Đại gia Lê Ân mong muốn bản án phúc thẩm sớm được thi hành

Đất “cấn nợ” có bản án nhưng không được thi hành

Trước đó tại các phiên xét xử các cấp, Hội đồng xét xử (HĐXX) đều xác định 20.000m2 đất nói trên là tài sản của VCSB. Khu đất này là do VCSB nhận trừ khoản nợ vay của Công ty TNHH Bình Giã (chủ đầu tư dự án làm đường Trần Phú ven biển TP.Vũng Tàu).

Việc cho vay này có sự chỉ đạo, bảo lãnh của UBND tỉnh theo văn bản 188 và 966A ký ngày 13 và 14/7/1994 (theo dạng công trình đổi lấy đất, tỉnh dùng 20.000m2 đất để thế chấp cho chủ đầu tư dự án đường Trần Phú vay nợ của VCSB. Nếu bên vay không có khả năng trả nợ thì sẽ dùng tài sản là 20.000m2 đất trên để trừ nợ vay).

Và đến tháng 11/1995 do phía công ty Bình Giã không đủ khả năng trả nợ nên đã giao số đất trên cho VCSB để trừ nợ và từ đó diện tích đất trên thuộc quyền sở hữu sử dụng hợp pháp của VCSB.

Đơn khiếu nại phản bác của đại gia Lê Ân gửi Bí thư Tỉnh ủy BR - VT

Hồ sơ thể hiện, năm 1998, chủ tịch UBND tỉnh có văn bản số 1091 cho VCSB mở khu du lịch tại khu đất 20.000m2 trên để thu hồi nợ (thu hồi vốn, lãi). Đồng thời VCSB đã nộp thuế sử dụng 20.000m2 đất theo quy định của pháp luật.

Năm 1999 VCSB gặp biến cố nên Chính phủ đã chỉ đạo các tài sản VCSB hình thành bằng vốn điều lệ, thu trừ nợ vay trong đó có khu đất 20.000m2 giao cho ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu để khi khách hàng rút tiền gửi trước hạn sẽ cho VCSB vay 97,5 tỷ đồng đủ trả hết tiền gửi của dân tại VCSB xin rút trước hạn. Như vậy từ cách đây hơn 16 năm khu đất 20.000m2 đã thế chấp bảo đảm nợ vay tại Vietcombank Vũng Tàu. Sau đó vào năm 2001 Tòa án tỉnh BR-VT cũng đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp kê biên tạm thời khu đất 20.000m2.

Bất ngờ ngày 4/12/2002 UBND tỉnh BR-VT lại ban hành quyết định 9729 thu hồi 15.125,4m2 đất trong khu 20.000m2 của VCSB giao cho công ty Bình Minh sử dụng. Sau đó tỉnh này lại có thêm quyết định 522, ngày 2/2/2007, giao thêm 4.613,2m2 đất còn lại trong khu 20.000m2 đất cùng với tài sản trên đất cho UBND TP Vũng Tàu xây trường học. “Việc lấy đất của VCSB giao cho các đơn vị khác để lập dự án là hoàn toàn sai trái, vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Do vậy, VCSB khởi kiện ra Tòa để xét xử”, ông Lê Ân nói.

Tại bản án phúc thẩm của TAND Tối cao ký ngày 19/3/2015 tòa đã tuyên buộc UBND tỉnh BR-VT phải đền bù cho VCSB diện tích 15.125,4 m2 đất theo khung giá đất phi nông nghiệp tại thời điểm thi hành án và buộc UBND tỉnh thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho VCSB đối với diện tích 4.613,2m2 đất trong khu 20.000m2.

Đại gia Lê Ân bức xúc nói: “Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng phía đại diện tỉnh lại về báo cáo, giải trình với UBND tỉnh sai thực tế. Rõ ràng vụ án này VCSB kiện dân sự và được Tòa thụ lý sơ thẩm số 11/2012/TLST-DS từ ngày 7/5/2012 về tranh chấp tài sản. Tòa án thụ lý vụ VCSB kiện quyết định hành chính sáp nhập với vụ kiện dân sự là hoàn toàn đúng quy định của Bộ Luật Dân sự.

Nhưng đại diện tỉnh lại cho rằng TAND tỉnh BR – VT không được thụ lý vụ kiện quyết định 9729 và 522 vì đã hết thời hiệu theo nghị quyết số 56/2010/QH12. Vì vậy đến nay đã hơn 1 năm trôi qua vẫn không chịu thi hành bản án phúc thẩm số 19/2015/HC-PT, ngày 19/3/2015. Mọi chuyện quá rõ ràng và đến nay đã rất lâu nhưng bản án phúc thẩm vẫn không được UBND tỉnh thi hành làm cho tập thể cổ đông VCSB và hội đồng thanh lý VCSB bức xúc".

Về vấn đề này, Sở Tư pháp tỉnh BR-VT đã có văn bản 2166, ngày 29/9/2015 cho rằng, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 thì việc thu UBND tỉnh BR – VT thu hồi đất của VCSB đã vi phạm khoản 12 Điều 102 (cấm hoặc buộc đương sự thực hiện một số hành vi nhất định) được cụ thể hóa tại các Điều 109, Điều 115 của Bộ luật dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011.

Đồng thời, phía Tỉnh ủy BR-VT cũng thông tin là sau khi nhận đơn Khiếu nại phản bác của ông Lê Ân trong tư cách là đại diện ủy quyền cho VCSB, ngày 31/3 vừa quan, phía Tỉnh ủy đã giao cho Ban Nội chính xem xét, xác minh làm rõ vụ việc để sớm giải quyết vấn đề. Hiện Tỉnh ủy vẫn đang chờ báo cáo từ Ban Nội chính.

Tiếp tục kêu oan

VCSB do ông Lê Ân – cổ đông đồng sáng lập và ông là Chủ tịch HĐQT VCBS được cấp hoạt động 99 năm với vốn điều lệ 70 tỷ đồng. VCSB được Nhà nước cho phép thanh toán Quốc tế mở chi nhánh Hà Nội, TP.HCM,…

VCSB được thành lập trên cơ sở mua nợ Trung tâm tín dụng phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (mất khả năng chi trả gần 10 tỷ đồng) và sau khi trả nợ thay xong, VCSB được cho phép nâng cấp thành Ngân hàng VCSB.

Trong quá trình VCSB hoạt động từ năm 1991 đến tháng 7/1999, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam có văn bản cho phép công ty kiểm toán VACO (Bộ Tài chính) kiểm toán các năm tài chính VCSB đặc biệt. Kết quả báo cáo kiểm toán (số 47 ngày 11/8/1999) kết luận VCSB không mất cân đối, không có nợ xấu, nợ quá hạn 0,04 %. Dự trữ bắt buột đúng quy định, dự trữ chi trả “tức thời” cao hơn Nhà nước quy định.

Căn cứ vào kết quả kiểm toán, NHNN đã ban hành quyết định số 10 ngày 11/8/1999 đặt VCSB vào tình trạng kiểm soát đặc “hết sức đặc biệt”. Đến ngày 12/08/1999 Giám đốc NHNN tỉnh BR-VT bị cách chức và đến ngày 13/8/1999 ông Lê Ân - Chủ tịch HĐQT VCSB cũng bị cách chức. VCSB bị đăt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Vụ việc được giao cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can…

Sau đó VCSB thu hồi nợ đến hạn, rút 55 tỷ đồng trái phiếu kho bạc ở Vũng Tàu và tồn quỹ tổng cộng gần 100 tỷ đồng tiền mặt bàn giao cho Ban kiểm soát đặt biệt đáp ứng chi trả. Đồng thời, ông Lê Ân và 6 thành viên khác bị bắt phục vụ điều tra.

Chính phủ đã chỉ đạo các tài sản VCSB hình thành bằng vốn điều lệ, thu trừ nợ vay trong đó có 20.000m2 đất tại 141 Bình Giã giao cho ngân hàng Vietcombank Vũng Tàu để khi khách hàng rút tiền gửi trước hạn sẽ cho VCSB vay 97,5 tỷ đồng đủ trả hết tiền gửi của dân tại VCSB xin rút trước hạn. Ông Lê Ân khẳng định:“Đây là vụ án không có người bị hại là vụ án cực kỳ oan sai, tôi đã kêu oan trên 15 năm vẫn chưa được cơ quan nào giải quyết”.

Ông Lê Ân trình bày cụ thể hơn là thời điểm bị kiểm toán VCSB không mất cân đối, không có nợ xấu, nợ quá hạn 0,04 %. Dự trữ bắt buột đúng quy định, dự trữ chi trả “tức thời” cao hơn Nhà nước quy định. Và kết quả kiểm toán số 47 của Công ty kiểm toán VaCo (thuộc Bộ tài chính) ngày 11/8/1998) cũng kết luận về VCSB như trên.

Đồng thời quy chế kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng nhà nước quy định rõ là tổ chức Ngân hàng cổ phần mất cân đối nợ xấu mất khả năng chi trả 3 ngày liên tục mà không tái tục được thì mới bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nhưng VCSB không có những sai phạm trên mà vẫn bị đặt tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Ông Lê Ân chủ tịch HĐQT VCSB bị bắt, và bị cơ quan công tố đề nghị toà tuyên phạt 20 năm tù, nhưng vị đại gia này đã bổ sung được các chứng từ chứng minh, nên cuối cùng toà chỉ tuyên ông 12 năm tù tội "Cố ý làm trái", án phạt Chung thân với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và án tử hình với tội "Lập ngân hàng huy động vốn để lừa đảo". Tổng cộng hình phạt là tử hình.

Song, đại gia này đã làm đơn kháng cáo và giao nộp toàn bộ các chứng từ của VCSB cho Cơ quan điều tra để minh chứng rằng mình vô tội. Ông Lê Ân kháng cáo thành công và tội danh của ông được giảm xuống thành "Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng", với mức án phạt tù 12 năm. Ông Lên Ân ngồi tù 5 năm, hơn 6 tháng thì được đặc xá tha về trước thời hạn.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn