Vợ cả đại gia Lê Ân, bà Lê Thị N.L, dù đã bước sang tuổi 70 nhưng bà L vẫn vui vẻ, niềm nở. Mặc dù trí nhớ của bà không còn được minh mẫn như xưa, nhưng khi hồi niệm lại quá khứ bà vẫn trầm ngâm kể lại mọi chuyện.
Bà L nhớ lại, năm 13 tuổi, đại gia Lê Ân tự mình nhảy xe dù vào Sài Gòn, toàn bộ tài sản mang theo chỉ là một bộ quần áo mang trên người và một cái kéo cắt may trên tay. Một mình giữa Sài Gòn hoa lệ, không bạn bè, không người thân, Lê Ân xin vào những cơ sở may mặc để làm việc.
Bà L, vợ cả của đại gia Lê Ân được đại gia này tạc tượng để “nhớ mãi không quên những gì các bà vợ đã gây ra cho ông”.
Làm được một thời gian, có ít vốn trong tay, Lê Ân tự thuê một chiếc máy may hiệu Singer đã cũ, loại máy sử dụng bàn đạp bằng chân làm ăn. Để tiện cho công việc, Lê Ân đặt bàn máy may tại một góc nhỏ ở chợ vừa may đồ và sửa đồ cho khách. Lâu dần, Lê Ân tự mở cho mình một tiệm may nhỏ rồi thuê thợ về làm cùng. Bà L cho biết, bà và Lê Ân đã quen nhau vào thời điểm này.
Xuất thân trong một gia đình có “máu mặt”, lúc đó, dự định của bà L xin bố mẹ từ Nha Trang vào Sài Gòn để học làm thợ may nhưng chẳng biết cơ duyên thế nào, khi có một người bạn mách nước, bà L đã đi học một lớp đào tạo nuôi dạy trẻ. Ra trường, bà làm quản lý ở một trường nuôi dạy trẻ của người Pháp còn đóng lại tại Sài Gòn.
Bà L tâm sự, hồi đó, bà là người con gái giỏi, dễ thương và được rất nhiều người theo đuổi trong đó không kể đến những người lãnh đạo cấp cao của chế độ cũ. Thế nhưng bà thương Lê Ân bởi thương ở cái tính hiền lành chân chất và phải tự lập nơi đất khách quê người. Mặc dù, tình yêu giữa bà và Lê Ân bị gia đình bà một mực phản đối.
Lúc đó, bà những tưởng tình yêu của bà đã bị lay động từ phía gia đình. Nhưng khi nhận được bức thư Lê Ân gửi kèm theo lời nhắn nhủ “nếu em không chịu lấy tôi thì sau này em sẽ gặp tôi bằng một nắm đất và một sợi tóc”. Đọc xong lá thư bà đã vượt qua sự ngăn cản của gia đình để đến với Lê Ân.
Sau đám cưới, Lê Ân vẫn nhận đồ về may đồng thời với những mối quen biết và tài xã giao của mình, bà L nhận đơn hàng do quân đội đặt về cho chồng may. Khách quen của hai vợ chồng bà là những người có “máu mặt” trong quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Khi đơn đặt hàng nhiều lên, hai vợ chồng bà quyết định mở một xưởng may để thuê công nhân về làm.
Tích góp được một ít vốn trong tay, cả hai ông bà quyết định chuyển sang kinh doanh các loại xe đạp, buôn bán quần áo… mở xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy. Hai vợ chồng bà liên tiếp trúng được những hợp đồng là nhà độc quyền cung cấp các mặt hàng thực phẩm, dụng cụ y tế cho chế độ cũ.
Hơn nữa, việc cả hai vợ chồng bà giàu phất lên là nhờ kinh doanh tiền tệ. Thế nhưng xưởng may thì hai vợ chồng bà vẫn giữ nguyên.
Bà L cho biết, ngày đó, bà là người chịu khó làm ăn nên được nhiều người làm chức vụ lớn trong quân đội Pháp quý mến và tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Vì những mối quen biết ấy nên tất cả những hợp đồng kinh doanh hay những giấy tờ liên quan chỉ cần bà lên tiếng là có người sẵn sàng giúp đỡ nên việc kinh doanh của bà chỉ đi theo một đường thẳng, nhất là việc kinh doanh tiền tệ.
Thế nhưng, khi có tiền trong tay, Lê Ân trở nên ăn chơi, cờ bạc, bồ bịch lăng nhăng. Bà L vẫn nhớ, hồi đó, bà chỉ về Nha Trang chơi có mấy ngày mà Lê Ân đã đánh bạc thua hết 3 chiếc ôtô. Khi biết được sự thật, bà rất tức giận, nhưng khi nghe những lời đường mật của chồng thì bà xoa dịu tất cả để đưa tiền cho chồng đi trả nợ.
Đại gia Lê Ân cùng người vợ hiện tại – Mai Thị Mai.
Lúc đó, bà phải bán nhà, đi ở thuê để trả nợ cho chồng. Nhưng vẫn chứng nào tật nấy, khi bà đưa tiền, Lê Ân tiếp tục đi đánh bài và lại đổ nợ.
Trả nợ cho chồng xong, bà phải làm lụng vất vả, đi mượn tiền và nhận được sự giúp đỡ của gia đình thì mới đủ mua căn nhà 408. Lúc đó, Lê Ân đi trốn quân dịch và bị bắt tại Bến Tre. Một mình bà phải chèo con thuyền kinh tế gia đình, nuôi 6 người con đang nhỏ. Hơn nữa, bà phải thường xuyên vào thăm chồng trong trại giam.
Lúc đó, có nhiều người ngỏ ý muốn cùng bà gánh vác gánh nặng gia đình nhưng là một người phụ nữ bà vẫn mong chồng bà ra tù sẽ tu chí làm ăn, cùng vợ nuôi dạy 6 người con.
Bà L trầm ngâm, mặc dù phải trải qua không biết bao đắng cay trong tình yêu mới đến được với nhau nhưng từ ngày cưới, hai vợ chồng bà chỉ hạnh phúc 2 năm đầu. Khoảng thời gian còn lại bà phải sống trong sự thất vọng và cố gắng chịu đựng để làm việc, nuôi các con thành người.
Sau khi ông Lê Ân ra tù, cả hai vợ chồng bà phải dẫn nhau ra tòa ly hôn. Toàn bộ tài sản bà đều giao cho Lê Ân quản lý và có trách nhiệm cùng bà nuôi 6 người con. Còn bà chỉ nhận lại căn nhà 408- căn nhà sau này gây ra ra vụ tranh chấp giữa bà và Lê Ân.
Ngày 5/2/2013, Ủy Ban Nhân dân Quận Tân Bình đã ban hành quyết định số 32/QĐ UBND, hủy bỏ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số H00077/26968 ký ngày 14/8/2005 mà UBND Quận Tân Bình đã cấp cho bà L đối với căn nhà 408, đường Cách Mạng Tháng 8, phường 4, quận Tân Bình. Quyết định này đã được Phó chủ tịch Quận Tân Bình, ông Đinh Khắc Huy ký, kết thúc hơn 20 năm kiện cáo, trả về cho ông Lê Ân.
Trong khi bà L kể về cuộc sống nhiều thiệt thòi của mình thì đại gia Lê Ân cũng lên tiếng về người vợ cả.
Theo lời kể của đại gia Lê Ân thì sau khi ông ở tù về, tự nhiên bà L đùng đùng viện lý do ông cặp bồ với một cô gái khác, trong khi ông khẳng định không hề có chuỵên “trai, gái” ngoài luồng.
Biết rằng đó chỉ là cái cớ để bà ly dị, đại gia Lê Ân đã cố gắng nhịn, nhờ Hội phụ nữ phường 5, quận Tân Bình hoà giải. Một người bạn thân của ông có nói với ông: “Ông nên khuyên vợ ông rút đơn ly dị, bởi vì nội dung lá đơn mang tiếng là đòi ly dị nhưng chủ yếu là tố giác, bêu xấu ông là chính”. Vị đại gia cười mừng vì biết được chuyện nhưng không nói gì.
“Tôi kêu 6 đứa con lại nhưng vắng mặt một đứa, do nó đang học ở Ninh Hoà. Tôi nói một câu: “Má của tụi con nông nỗi, xin ly dị nhiều lần trong 6 tháng nay. Ba vì các con, không chịu ký, âm thầm chịu đựng. Các con về khuyên với má, rút đơn đi, chứ chuyện ký đơn với ba là quá dễ dàng. Ly dị xong, ba có thể cưới một cô vợ trẻ, đẹp hơn má các con nhưng chỉ tội nghiệp cho các con thôi…”, đại gia Lê Ân cho hay
Các con của ông nghe lời, ra Nha Trang khuyên bà. Bà nói một câu xanh rờn: “Ba của tụi bây không chịu ký đơn cho tao ly dị là tao cắn lưỡi chết!”. Các con ông về nói lại những gì bà nói nhưng đại gia Lê Ân không tin. Vài ngày sau, người vợ đầu bay về Sài Gòn, loanh quanh chuyện đòi ly dị.
Bà lặp lại y chang câu vừa nói lúc nãy. Tôi nổi nóng: “Bà lên toà án với tui liền”. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh của bà lúc đó: Mặc một cái quần đen bằng vải xoa bóng, áo bà ba trắng, lật đật cắp nón lá, mừng rỡ ngoắc một chiếc xích lô, leo lên ngồi chéo cẳng ngỗng, vẻ mặt đắc ý lắm”, ông Lê Ân kể.“Bả nói với tôi một câu rất nặng nề: “Ông giam hãm đời tui. Ông không chịu ký đơn ly dị, tôi cắn lưỡi chết. Tôi sẽ viết thư tuyệt mạng cho ông sáng mắt ra”.
Máu nóng trong người tôi dâng lên tới đầu, tôi cố hạ mình, bình tĩnh, nói một câu nhẹ nhàng: “Tôi nghe các con nói lại câu nói của bà đòi chết, nếu tôi không chịu ký đơn ly dị. Tôi không tin nhưng bây giờ bà đã nói trực tiếp thì tôi tin rồi. Bà ngồi xuống, nhìn thẳng vô mặt tôi nè, một là bà rút lại lời nói, hai là bà lặp lại câu vừa rồi cho tôi nghe rõ một lần nữa, tôi sẽ quyết định lập tức”.
Sau đó, đợi bà đi khỏi, đại gia Lê Ân lấy xe hơi, đi thẳng lên toà án. Gặp vị Chánh án Toà án quận Tân Bình, đồng thời cũng là người thụ án lúc đó, ông nói: “Chị Linh, vụ ly hôn của tôi với bà Lê Thị Ngọc Lan có lẽ không còn phương cứu chữa. Giờ bà đòi chết, thôi chị tiến hành thủ tục ly dị”. Vị nữ chánh án khi đó rất sửng sốt, buông được một câu hỏi: “Thiệt hả anh Ân?”. “Tôi gật đầu, sau đó tiến hành làm thủ tục, ký tên cái rụp. Coi như cuộc hôn nhân của tôi và bà vợ đầu tiên đến đây là hết phim…”, lão đại gia Lê Ân cho hay
Khi phiên tòa diễn ra, lão đại gia Lê Ân do “quá chán đời” đã không đến dự phiên toà, không thuê luật sư, để mặc người vợ cả muốn làm gì thì làm.
Toà chia cho ông Lê Ân 3 đứa con, bà Lan 3 đứa, còn tài sản, nhà cửa thì theo đại gia Lê Ân, gần như là bà lấy hết. “May phước là mấy nhà thuốc tây ở đường Võ Văn Tần, tôi nhờ dược sĩ Lê Như Khôi đứng tên giùm nên bà không thể nào lấy được”, đại gia Lê Ân nói.
Theo Đời Sống Pháp Luật