Sau hơn 1 tháng tìm kiếm rất nỗ lực nhưng đến thời điểm này, nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Nhà máy Thép Pomina 3 vẫn chưa tìm thấy. Công việc tìm kiếm vẫn đang thực hiện tại khu vực tập kết xỉ thép của Nhà máy Thép Pomina 3.
Nguồn phóng xạ trước khi thất lạc. Ai nhìn thấy một vật có hình dáng tương tự cần báo cho cơ quan chức năng để hỗ trợ việc tìm kiếm.
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KHCN cho biết, thời gian qua tổ tìm kiếm đã tiến hành dò tìm tại các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế chì trên địa bàn huyện Tân Thành (26 cơ sở), TP. Bà Rịa (38 cơ sở) và tại 5 công ty thép. Những ngày này, tổ tìm kiếm đang tập trung rà tìm tại khu vực chứa xỉ thép của Nhà máy Pomina 3 - điểm nghi vấn cao nhất, hiện đã tiến hành xúc hơn 4.000 tấn xỉ thép và dò tìm tại 30 ô chứa xỉ.
Ông Quang cho hay, việc tìm kiếm được thực hiện tỉ mỉ từng ô, trong vùng xác suất cao. Sau khi tìm kiếm hết kho tập kết xỉ thép, tiến hành kiểm tra nội bộ rà soát tại các điểm nghi vấn mà vẫn không tìm thấy nguồn phóng xạ, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng tìm kiếm tại địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.
Đại tá Bùi Văn Thảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết thêm, hiện công an đã lấy lời khai của các bên liên quan, báo cáo Bộ Công an, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm để cung cấp thông tin về việc tìm kiếm nguồn phóng xạ trên toàn quốc. Công an tỉnh đã liên hệ với Công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để phối hợp tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc.
Theo đại tá Bùi Văn Thảo, không loại trừ khả năng nguồn phóng xạ theo xe chở ra ngoài. “Tuy nhiên, số lượng xe rất lớn nên công việc tìm kiếm càng khó khăn hơn. Công an tỉnh sẽ nắm thêm thông tin về các đường dây chuyên mua bán phóng xạ để có phương án tìm kiếm thích hợp”, đại tá Bùi Văn Thảo cho biết thêm.
Trong cuộc trao đổi với báo BR-VT, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) tiếp tục khẳng định rằng: nguồn phóng xạ Co-60 bị mất tại Pomina 3 kể cả trong trường hợp bị phá vỡ cấu trúc bình chứa và phát tán ra ngoài môi trường thì cũng không gây tổn thương lâu dài cho con người (tổn thương lâu dài được hiểu là làm giảm chất lượng cuộc sống của người bị chiếu xạ, gây bỏng, bị thương tay chân).
Ông Vương Hữu Tấn cũng cho biết thêm, theo quy định của quốc tế cũng như quy định của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 thì trách nhiệm trong vụ để mất phóng xạ, trước hết thuộc về chủ cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ. Trong trường hợp này, Công ty Pomina phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố mất nguồn phóng xạ này, bao gồm cả chi phí cho việc tìm kiếm thu hồi lại nguồn phóng xạ bị mất và các bồi thường thiệt hại có liên quan.
Hiện tại, Cục ATBXHN đã tiến hành thanh tra các vi phạm của nhà máy và đang xử lý để có thể đưa ra mức xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ngoài phạt tiền, còn có thể áp dụng hình thức phạt bổ sung như đình chỉ sử dụng nguồn phóng xạ trong 1 đến 3 tháng theo quy định của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực NLNT.
Theo Bà Rịa - Vũng Tàu online