Chân dung nữ điệp viên da màu sẽ xuất hiện trên tờ 20 USD Mỹ

Thứ ba, 26/04/2016, 08:31
Bà Harriet Tubman, một nhà giải phóng nô lệ và điệp viên trong thế kỷ 19, sắp trở thành phụ nữ da màu đầu tiên được xuất hiện trên giấy bạc Mỹ.
Bà Harriet Tubman. Ảnh: Newsmax

Tháng 10/1849, Harriet Tubman đã vượt qua đường ranh giới vô hình giữa cuộc sống nô lệ và tự do để vào bang Pennsylvania.

Trước đó trong tháng 9, bà đã rời bỏ đồn điền tại hạt Dorchester, bang Maryland và di chuyển suốt đêm. Nhiều năm sau, bà nhớ lại thời khắc đặt chân vào Pennsylvania: "Khi tôi nhận ra mình đã vượt qua ranh giới đó, tôi nhìn xuống đôi tay để xem mình có còn là con người cũ không. Mọi thứ đều nhuốm màu vinh quang. Những tia nắng đến như thể suối vàng xuyên qua những ngọn cây, và trên khắp các cánh đồng, tôi cảm thấy như mình đang trên Thiên đường".

Suốt nhiều năm sau đó, bà Tubman còn nhiều lần trở lại Maryland để giải cứu những người khác, dẫn họ lẩn trốn theo cái được gọi là "đường sắt trong lòng đất", mà thực chất là một mạng lưới những nơi ẩn náu an toàn được sử dụng để đưa nô lệ từ miền Nam tới các bang tự do ở miền Bắc.

Với những cống hiến của bà, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cuối tuần trước đã công bố kế hoạch thiết kế tờ 20 USD mới. Chân dung của Harriet Tubman sẽ được in lên mặt trước của tờ này, trong khi ảnh Tổng thống thứ 7 của Mỹ, Andrew Jackson, sẽ được chuyển ra mặt sau. Bà là người người Mỹ gốc Phi đầu tiên được in chân dung lên tờ đôla Mỹ. Thiết kế mới này sẽ được lưu hành sớm nhất vào năm 2020.

Nhà giải phóng nô lệ

Tháng 9/1849, bà Tubman khi đó 27 tuổi, là một nô lệ chẳng ai biết tới, và cũng không rõ về tương lai của mình sau khi ông chủ của mình chết. Lo sợ sẽ bị bán tới các khu vực xa hơn về phía Nam, bà đã nhóm họp cùng với hai người em trai là Benjamin và Henry. Đêm ngày 17, họ cùng nhau bỏ trốn.

Được cha giúp sức, sau khi ông được trả tự do trước đó, ba chị em bà Tubman lẩn trốn suốt ba tuần, khi lệnh truy nã được đăng tải trên một tờ báo địa phương, kèm mức tiền thưởng 100 USD/người cho ai giúp bắt giữ. Lo sợ trước viễn cảnh tương lai, Ben và Henry từ bỏ ý định chạy trốn và quay trở về đồn điền. Chỉ còn bà Tubman với quyết tâm vững chắc quyết định ra đi một mình.

Bà là người con thứ tư trong gia đình gồm 9 anh chị em, với cả cha và mẹ đều là nô lệ tại hạt Dorchester, bang Maryland. Tên khai sinh của bà là Araminta - hay còn gọi là "Minty" - Ross.

Nhiều thập kỷ sau, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc đào thoát khỏi hạt Dorchester, Minty đã đổi tên thành Harriet Tubman. Bà lấy tên thánh của mẹ và họ của chồng, ông John Tubman - một người tự do nhưng đã quyết định ở lại khi bà Harriet bỏ trốn.

Khi đến được Philadelphia, Pennsylvania, bà Tubman làm người giúp việc cho một gia đình. Cuối năm 1850, bà được báo tin rằng cháu gái mình, Kessiah Jolley Bowley, sắp bị người chủ cũ đem bán đấu giá. Hai con của Bowley, là James và Araminta, cũng bị đem bán. Bà Tubman bắt tay vào nhiệm vụ giải cứu đầu tiên.

Tháng 12 năm đó, bà gặp chồng của Bowley, ông John, tại Baltimore và cả hai lên kế hoạch. Sau khi đưa được cả ba mẹ con trốn thoát êm thắm, ông John đưa tất cả lên thuyền di chuyển theo sông Chesapeake tới Baltimore, gặp bà Tubman. Từ đây họ di chuyển tới Philadelphia trước khi sang Canada.

Sau lần đó, bà Tubman còn tiếp tục giúp ít nhất 70 người khác, gồm người thân, bạn bè và cả người lạ, thoát khỏi phận nô lệ theo cách này, bất chấp hiểm nguy cận kề. Bà đi lại với nhiều cách ngụy trang kỹ lưỡng và mang theo bên mình một khẩu súng lục ổ quay.

Khi tin tức về các cuộc giải thoát mạo hiểm của bà Tubman lan truyền, nhà hoạt động giải phóng nô lệ William Lloyd Garrison đã đặt cho Tubman biệt danh "Moses", theo tên của nhà tiên tri từng dẫn người Do thái thoát khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập. Từ đó, biệt danh này gắn liền với người phụ nữ da màu.

Đến năm 1854, khi đã thành thạo việc giúp nô lệ đào tẩu, Moses cuối cùng cũng giải thoát cho ba người em trai là Ben, Henry, và Robert. Năm 1856, bà đã giải cứu cha mẹ mình, những người được trả tự do nhưng bị nghi đã giúp những người khác trốn thoát.

Người dùng mạng Mỹ chỉnh sửa ảnh để mô phỏng tờ tiền có chân dung bà. Ảnh:BBC

Điệp viên

Năm 1861, khi Nội chiến tại Mỹ nổ ra, bà Tubman làm đầu bếp, y tá, trước khi chuyển sang làm trinh sát, điệp viên thu thập thông tin cho chính quyền Liên bang từ hậu phương địch.

Nội chiến Mỹ (1861–1865) là tranh chấp quân sự giữa chính phủ Liên bang và các tiểu bang phía Nam. Sau khi ông Abraham Lincoln, người theo tư tưởng bãi nô, đắc cử Tổng thống năm 1860, 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam đã tuyên bố ly khai và lập ra Liên minh miền Nam. Cuộc chiến chấm dứt khi phe ly khai đầu hàng.

Theo Washington Post, bà Tubman đã giúp sức cho quân đội Liên bang trong một cuộc tấn công lên thượng nguồn sông Cambahee, tại bang South Carolina. Bà là người trực tiếp cung cấp cho các tư lệnh quân đội thông tin tình báo về vị trí phe ly khai đặt mìn cũng như các mối đe dọa khác.

Công việc tình báo đến với bà Tubman khi thống đốc bang Massachusetts, John A. Andrew - một người ủng hộ bãi nô - đề nghị bà giúp làm việc với những nô lệ đã bỏ trốn khỏi miền Nam trước khi Nội chiến leo thang. Khi đó, nô lệ thường tìm tới các trại quân sự của Liên bang xin giúp đỡ, khiến các đơn vị này chịu thêm gánh nặng trong khi tình hình chiến đấu vốn đã khó khăn.

Thống đốc sau đó cử bà tới gặp thiếu tướng David Hunter, tư lệnh lực lượng liên bang tại South Carolina. Tướng này cấp cho bà một giấy thông hành, kèm mệnh lệnh cho binh sĩ phải giúp bà di chuyển nếu cần.

Bà Tubman sau đó tổ chức một đội điệp viên 9 người, bao gồm thủy thủ da màu từng lái thuyền trên các con sông địa phương và thông thạo luồng tuyến. Bà dạy cho họ cách thu thập tin tức tình báo. Họ cùng nhau do thám cho chính quyền Liên bang, lập ra bản đồ các đảo và bờ biển ở South Carolina, cung cấp thông tin về vị trí các chốt gác của phe ly khai.

Bà Tubman cũng được ghi nhận công lao vì giúp hình thành Trung đoàn Bộ binh Tình nguyện South Carolina số hai, do đại tá James Montgomery chỉ huy. Chính đơn vị của ông Montgomery đã có cuộc tập kích táo bạo trên thượng lưu sông Combahee, giải phóng nhiều nô lệ.

Trong chiến dịch đó, ông James Montgomery đã đề nghị bà Tubman dẫn đường cho nhiều thuyền pháo đi ngược con sông. Bà là người xác định vị trí trên sông bị gài mìn, sau những lần đi tiền trạm cùng nhóm của mình, và gặp gỡ những nô lệ đã tham gia đặt chất nổ. Để có thông tin, bà hứa sẽ đem đến cho họ cơ hội tự do, thậm chí trong một vài trường hợp là dùng tiền mặt.

Hai thuyền pháo của phe Liên bang cuối cùng xâm nhập thành công, tấn công và lấy đi nhiều thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác mà bà Tubman cùng cộng sự đánh dấu trước. Theo nhiều tài liệu lịch sử, họ còn giải phóng cho hơn 700 nô lệ.

Theo New York Times, khoảng 100 nô lệ được giải phóng đầu quân cho quân đội Liên bang. Con số này dù không nhiều như kỳ vọng của các tư lệnh quân đội, nhưng vẫn giúp khích lệ tinh thần tại thời điểm đó. Bà Tubman còn tiếp tục phục vụ quân đội thêm ít nhất một năm sau đó, với tư cách y tá, và liên lạc với những người South Carolina sẵn sàng cung cấp thông tin.

Sau chiến tranh, bà Tubman đi khắp các thành phố bờ Đông để diễn thuyết ủng hộ trao quyền bầu cử cho phụ nữ, dựa trên kinh nghiệm chiến đấu chống lại chủ nghĩa nô lệ. Bà trở thành tiếng nói mạnh mẽ của phong trào này.

Những năm cuối đời, bà sống trong một khu đất nhỏ tại Auburn, New York, do một thượng nghị sĩ ủng hộ tư tưởng bãi nô tặng. Năm 1869, bà kết hôn với ông Nelson Davis, cựu binh trong cuộc Nội chiến. 5 năm sau, họ nhận một bé gái có tên Gertie làm con nuôi.

Năm 1903, bà Tubman hiến tặng một phần mảnh đất của mình cho nhà thờ. Đến năm 1908, nhà dưỡng lão Harriet Tubman, dành riêng cho người Mỹ gốc Phi được xây dựng trên khu đất này. Bà Tubman chuyển vào sống trong trại dưỡng lão này năm 1913, trước khi qua đời cuối năm đó ở tuổi 91.

Nhận xét về những cống hiến của bà, Fergus Bordewich, tác giả cuốn sách "Bound for Canaan: The Epic Story of the Underground Railroad", viết rằng bà là "biểu tượng mạnh mẽ cho toàn thể người Mỹ về lòng can đảm cần có trước cuộc Nội chiến để đương đầu với chủ nghĩa nô lệ".

Phong trào bãi nô không phải là việc "người da trắng cứu giúp những người da màu tuyệt vọng" như nhiều người vẫn nghĩ, ông Bordewich nói. Người da màu giữ vai trò then chốt trong thành công đó và Harriet Tubman "là người đi tiên phong".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích