Tăng trưởng tín dụng luôn được nhà điều hành, giới phân tích kinh tế vĩ mô quan tâm đặc biệt. Vì nó vừa là nguyên nhân, kết quả, hệ quả của nhiều mối liên hệ, trong đó có câu chuyện trách nhiệm.
Năm 2015 gần qua, lúc này thị trường đang chờ đợi định hướng điều hành cụ thể tiếp theo năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: Reuters. |
Bước chân tập tễnh
Tại hội thảo nhìn lại việc điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 ngày 17/12, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói: “Tôi không bất ngờ với tăng trưởng tín dụng hiện nay, vì nó là kết quả của quá trình sắp xếp, lập lại trật tự trong hệ thống”.
Hệ thống ngân hàng có trật tự mới, hạn chế đi những xáo trộn trước đây về lãi suất, thanh khoản và tỷ giá, xáo trộn mà chuyên gia trên cho là “vô tiền khoáng hậu”.
Nay, lãi suất dễ chịu hơn, thanh khoản tốt hơn là những điều kiện đầu tiên để có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Cũng tại hội thảo trên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết thêm, những năm gần đây, vấn đề thanh khoản của hệ thống đã được xử lý. Điển hình như vào các mùa cao điểm chi trả, không có hiện tượng chạy đua lãi suất và Ngân hàng Nhà nước không phải tái cấp vốn để hỗ trợ.
Nhưng, tăng trưởng tín dụng như năm nay có nóng và đáng lo ngại như một số cảnh báo?
Ông Phước đưa ra góc nhìn: chính việc Ngân hàng Nhà nước đã lập lại trật tự, xử lý sở hữu chéo trong hệ thống, nên không còn chuyện các ông chủ tự tung tự tác vốn ngân hàng, kiểu như rút cỡ dăm bảy nghìn tỷ nhồi vào chỗ này chỗ kia theo mục đích riêng như trước đây. Thay vào đó, tăng trưởng được lái đến đúng địa chỉ hơn, gắn với các lĩnh vực ưu tiên.
Nhưng, chuyên gia này cho rằng, tín dụng những năm qua và hiện nay vẫn tồn tại vấn đề đáng lo ngại. Hệ thống ngân hàng phải nhồi quá nhiều vốn, nền kinh tế dựa quá nhiều vào tín dụng.
“Gần như tất cả nhu cầu vốn của nền kinh tế dồn vào chính sách tiền tệ. Bị dồn vậy, chịu sao nổi”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đặt vấn đề.
Chuyên gia này dẫn giải, thị trường tài chính có hai chân, thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Tại Việt Nam, nhiều năm qua và cho đến nay, thị trường vốn vẫn chưa tạo được sự cân đối, tập tễnh với áp lực dồn vào chân chính sách tiền tệ.
Như năm 2014, vốn hóa thị trường chứng khoán vẫn chỉ khoảng 30% GDP, trong khi tín dụng 101% GDP. Dù sao đó cũng đã là một sự cải thiện, vì trước đây, như năm 2011, sự tập tễnh rất rõ ở các tỷ lệ tương ứng là 15% với 120%.
Cũng theo TS. Trương Văn Phước, nhiều năm qua và hiện nay, chính sách tiền tệ phải đi làm thay nhiều việc cho thị trường vốn và chính sách tài khóa.