Vì sao Fed nâng, Việt Nam lại hạ?

Thứ sáu, 18/12/2015, 11:47
Chỉ một ngày sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất “cơ bản” lên thêm 0,25 điểm phần trăm thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lại ra thông báo hạ lãi suất tiền gởi cá nhân bằng đô la Mỹ về 0%. Tại sao cũng là đồng đô la mà có hai hướng đi ngược nhau như thế?
Từ ngày 18-12, lãi suất tiền gửi cá nhân bằng đô la Mỹ đã về 0%

Lý do vì sao Fed nâng lãi suất đồng tiền của họ thì đã được thị trường phân tích quá kỹ cả mấy tháng nay. Tựu trung lý do chính là nếu trước đây Fed liên tục hạ lãi suất và giữ ở mức gần như là 0% trong một thời gian dài để kích thích nền kinh tế, khuyến khích mọi người bỏ tiền ra làm ăn thì nay các chỉ số công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế đã cho phép Fed quay ngược trở lại với chính sách lãi suất dương chút đỉnh để kiềm chế lạm phát nhưng thực chất là để trở lại chính sách lãi suất bình thường.

Những người theo thuyết âm mưu thì bàn thêm khả năng Mỹ dùng sức mạnh đồng tiền để tạo ảnh hưởng lên bàn cờ kinh tế - chính trị thế giới. Thật ra, đây là hệ quả của việc nâng lãi suất đô la Mỹ như giá dầu giảm, các đồng tiền khác mất giá, dòng chảy đầu tư sẽ rời các thị trường mới nổi để quay về Mỹ chứ không hẳn là yếu tố dẫn dắt. Dù sao nền kinh tế của Trung Quốc hay Nga sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nếu nhìn theo cách xem lãi suất ở mức 0% là bất thường, là liều thuốc mạnh chống khủng hoảng kinh tế thì 0,25% chỉ là bước khởi đầu trên con đường đưa nền kinh tế trở về với các quy luật bình thường. Nhưng nếu xem 0,25% là bước ngoặc, chấm dứt cả một thập kỷ đồng tiền giá rẻ thì đây là một cột mốc đáng lưu ý.

Ngược lại, chuyện NHNN Việt Nam hạ lãi suất tiền gửi cá nhân bằng đô la Mỹ về 0% thì không liên quan gì nhiều đến các lý do nói trên; chủ yếu mục đích của NHNN là làm mọi người “chê” đô-la Mỹ như họ từng làm với vàng để từ đó có thể kiểm soát tốt hơn tỷ giá theo hướng mong muốn.

Trong thông báo chính thức, NHNN nói việc thay đổi lãi suất nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.

Tâm lý thường tình khi thấy gởi đô la Mỹ vào ngân hàng giờ không hưởng được đồng tiền lãi nào, có lẽ ai cũng thấy nên bán lấy tiền đồng mà gởi vì lãi suất tiền đồng vẫn còn tương đối cao. Đó cũng là lý do của một quyết định tương tự vào tháng 9-2015 khi NHNN đưa trần lãi suất tiền gởi đô la Mỹ đối với tổ chức về 0%/năm và 0,25%/năm đối với tiền gởi cá nhân.

Lần này chưa biết tác dụng của việc hạ lãi suất như thế lên cung cầu ngoại tệ như thế nào nhưng lần hạ lãi suất vào tháng 9 hầu như ít có tác dụng. Lãi suất giảm còn 0,25% nhưng huy động đô la Mỹ vẫn tăng đều trong các tháng gần đây và với doanh nghiệp dù lãi suất về 0% họ vẫn găm giữ ngoại tệ chứ không bán cho ngân hàng để chuyển sang tiền đồng.

Để mọi người “chê” đô la Mỹ thì lãi suất chỉ là một yếu tố. Một khi các yếu tố khác vẫn chưa rõ như tỷ giá sang năm sẽ như thế nào; đồng tiền các nước khác, kể cả nhân dân tệ của Trung Quốc phải điều chỉnh giảm vì sao tiền đồng lại đứng yên… thì tâm lý găm giữ đô la Mỹ vẫn còn đó. Cái tâm lý này còn dẫn tới một hệ lụy quan trọng – đó là lãi suất tiền đồng nay không thể giảm dù lạm phát đang ở mức rất thấp.

Thậm chí có người còn cho rằng nếu NHNN không chịu điều chỉnh tỷ giá, lãi suất tiền đồng sẽ chịu áp lực phải tăng nữa đề bù đắp vào.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn