Tin đồn này xuất phát từ lần gọi vốn gần nhất của Lazada. Vào tháng 12/2014, Temasek (Singapore) rót vào Lazada Group 200 triệu Euro, tương đương 250 triệu USD. Cộng với số tiền mặt còn trong ngân hàng lúc đó, Lazada Group có khoảng 450 triệu USD.
Theo website Forbes.com, kết thúc năm 2014, Lazada Group lỗ khoảng 146 triệu USD. Giá trị các sản phẩm được bán ra (GMV) của Lazada Group năm 2014 là 384 triệu USD.
Trong báo cáo nửa đầu năm 2015 của Rocket Internet, Lazada Group đặt mục tiêu tăng GMV gấp 3 lần năm 2014, ước tính hơn 1 tỷ USD, tuy nhiên lại không công bố lợi nhuận.
Trong báo cáo nửa đầu năm 2015 của Rocket Internet, Lazada Group đặt mục tiêu tăng GMV gấp 3 lần năm 2014, ước tính hơn 1 tỷ USD, tuy nhiên lại không công bố lợi nhuận. |
Theo báo cáo tài chính của Rocket Internet nửa đầu năm 2015, EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) của Lazada Group là - 89%. Cộng với phí kho bãi, văn phòng… khoảng 50 triệu USD. Ước tính năm 2015, Lazada Group phải chi hơn 360 triệu USD.
Như vậy, với số tiền mặt là 450 triệu USD hồi cuối năm 2014, trừ đi khoản chi năm 2015, Lazada Group không còn nhiều tiền cho năm 2016.
“Nếu không có nguồn đầu tư mới, Lazada Group sẽ cạn dòng tiền vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 5 năm 2016”, nguồn tin này nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo , ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam cho rằng, thông tin Lazada Group sắp cạn tiền là hoàn toàn không chính xác. Ông cho biết, Lazada Việt Nam và Lazada ở các nước trong khu vực Đông Nam Á đang dần khẳng định vị trí và vai trò dẫn đầu trên thị trường thương mại điện tử, chính vì thế, trong tương lai, việc cạn tiền khó có thể xảy ra.
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh Lazada Việt Nam năm 2015, ông Dardy cho biết, doanh thu đã tăng trưởng gấp 4 lần so với năm 2014. Hiện có 2.400 doanh nghiệp bán hàng trên Lazada.vn với 350.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau. Năm 2015, Công ty khai trương kho hàng mới tại Hà Nội.
Theo một nguồn tin của Báo , chi phí hoạt động của Lazada đang có xu hướng cải thiện, nếu như trước kia, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp này tốn khoảng 30 tỷ đồng thì hiện nay con số này giảm khoảng 15% và có chiều hướng giảm tiếp trong thời gian tới. Một ngày doanh nghiệp này có khoảng 10.000 đơn hàng được giao, con số này tăng gấp đôi vào các dịp khuyến mãi.
Ông Alexandre Dardy cho rằng, nguyên nhân của tin đồn Rocket Internet sẽ rút dần các dự án ra khỏi Việt Nam có lẽ xuất phát từ việc đóng cửa hai dự án thương mại điện tử Lamido.vn và Foodpanda.vn trong năm 2015.
Việc Rocket Internet khẳng định vẫn tiếp tục hoạt động ở thị trường Việt Nam được xem là tin vui. Theo giám đốc một sàn thương mại điện tử ở TP.HCM, sẽ có rất nhiều hệ lụy từ việc Tập đoàn này từ bỏ thị trường Việt Nam.
Điều đầu tiên là để lại tiếng xấu cho thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, việc doanh nghiệp dẫn đầu doanh thu như Lazada phải bỏ cuộc chơi, thì không có lý do gì để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào các doanh nghiệp đứng thứ hai hay thứ ba.
Ngoài ra, hiện khoảng cách về thị phần giữa Lazada Việt Nam và các đơn vị còn lại khá lớn, nếu Lazada rút đi sẽ để lại lỗ hổng về nhu cầu thị trường, không đơn vị nào đáp ứng được ngay lập tức. Một số ứng cử viên như Tiki.vn hay Adayroi.com vẫn còn gặp những vấn đề riêng. Như Tiki.vn hiện mở rộng khá nhiều ngành hàng như điện lạnh, điện thoại, bách hóa… nhưng có thành công không vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ. Còn Adayroi.com vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa hoạt động trên quy mô toàn quốc như Lazada.vn.
Một số doanh nghiệp mới nổi như sàn thương mại điện tử Deca.vn, dù khá thành công trong việc cung cấp các sản phẩm dành cho phụ nữ và trẻ em, nhưng sẽ gặp khó trong việc mở rộng ngành hàng, tập khách hàng trong một thời gian ngắn. Và khi không ai đáp ứng được nhu cầu Lazada.vn để lại, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tự thu hẹp.
Trên thực tế, việc dùng tiềm lực tài chính tác động vào thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam như cách Lazada làm trong thời gian qua cũng không phải là tốt. Điển hình là việc liên tục tung khuyến mãi, tặng mã giảm giá, vừa làm “hư” khách hàng, vừa khiến thiệt hại cho các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp trong nước, vì không chạy theo không được. Trong khi lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay chưa doanh nghiệp nào có lời.
Nhưng nếu đem so mặt tốt và mặt xấu thì việc Lazada rút khỏi Việt Nam sẽ gây ấn tượng xấu với các nhà đầu tư, gieo vào đầu họ tư tưởng đầu tư vào thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ mất tiền. Trong khi đây là thị trường được đánh giá là rất tiềm năng.
Theo Báo Đầu Tư