Đại diện của INTOPS (trái) bắt tay lãnh đạo SHTP sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư |
Theo giấy chứng nhận đầu tư do Ban quản lý SHTP trao, nhà đầu tư Intops của Hàn Quốc sẽ đầu tư 80 triệu đô la Mỹ để xây nhà máy sản xuất đồ điện tử và linh kiện công nghệ thông tin trên khu đất rộng 40.000m2 và sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2016.
Theo chủ đầu tư, trong thời gian đầu, nhà máy sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất phụ tùng và cấu kiện hàng điện tử gia dụng cho dự án Samsung Electronics. Sau đó, công ty sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, bao gồm nghiên cứu và sản xuất thiết bị kết nối internet (Internet of Things). Dự kiến khi đi vào hoạt động, công suất nhà máy sẽ đạt khoảng 6,5 triệu sản phẩm/ năm.
Hiện Intops có bốn nhà máy ở Hàn Quốc, hai nhà máy ở Trung Quốc và một tại Hà Nội chuyên cung cấp phụ tùng hàng điện tử gia dụng và điện thoại di động cho Samsung. Theo ông Kuen-Ha Kim, Giám đốc điều hành của Intops, nhà máy của công ty tại Hà Nội đã lọt vào top 10 các hãng công nghệ khoa học tại Việt Nam vào năm ngoái. Intops dự kiến sẽ phát triển dự án tại SHTP thành một trong những cụm công nghiệp có công nghệ tốt nhất.
Trong khi đó, Công ty TNHH Daihan Climate Control sẽ xây dựng nhà máy sản xuất bộ trao đổi nhiệt – là bộ phận chính được sử dụng trong máy lạnh và tủ lạnh - cho dự án tổ hợp Samsung tại SHTP. Với tổng vốn đầu tư khoảng 32 triệu đô la Mỹ, dự án nhà máy này sẽ được phát triển trên khu đất rộng 2,1 héc ta.
Tại dự án này, công ty sẽ cung cấp cho khu phức hợp điện tử Samsung bộ trao đổi khí sử dụng trong tủ lạnh vào nửa cuối năm 2016 và sẽ cung cấp bộ trao đổi khí cho máy điều hòa vào năm 2017 với tổng công suất khoảng 2 triệu sản phẩm/năm.
Với dự án này Daihan sẽ tuyển dụng khoảng 400 lao động. Theo chủ đầu tư, công ty đã lên kế hoạch đào tạo nhân sự chất lượng cao tại Việt Nam thông qua nhà máy tại Thái Lan và trụ sở chính ở Hàn Quốc, nhằm hướng tới nội địa hóa nguồn nguyên liệu và nhân lực cho dự án trong thời gian tới.
Ông Tae-Gyu Kim, Giám đốc công ty TNHH Daihan Climate Control, cho biết bằng việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam cùng với việc đào tạo kỹ thuật thông qua nhà máy ở Thái Lan và Hàn Quốc, nhà máy chế tạo bộ trao đổi nhiệt tại Việt Nam sẽ ổn định sản xuất trong thời gian ngắn nhất để trở thành nhà máy có năng lực cạnh tranh cao.
Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, hiện có khá nhiều nhà cung cấp cho Samsung muốn vào SHTP để đầu tư. Tuy nhiên, SHTP xem xét, tuyển chọn những doanh nghiệp thật sự có công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, SHTP đã cấp giấy phép cho năm dự án công nghiệp phụ trợ cho dự án Samsung, trong đó có bốn doanh nghiệp nước ngoài và một doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với các dự án đầu tư vào SHTP, Ban quản lý SHTP đều yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện hoạt động nghiên cứu-phát triển (R&D) để thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa, nâng cao giá trị nội sinh. Riêng đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, mục tiêu là từ 3 – 5 năm kể từ khi triển khai dự án, giá trị sản xuất nội địa hóa phải đạt tối thiểu 35%.
Theo TB KTSG