Quyết định cuối cùng chưa được Samsung đưa ra, thậm chí cũng không có bất cứ lời hứa trước nào cả, song ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại nhựa An Phú Việt khá tự tin về khả năng trở thành nhà cung cấp cấp 2 cho tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này.
“Chúng tôi cũng đã đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung trong thời gian tới. Sản phẩm mà chúng tôi nhắm đến là các loại sạc pin điện thoại di động cho Samsung”, ông Hùng cho biết.
Ba tháng trước đây, An Phú Việt - cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác - đã tới tham dự một cuộc hội thảo về phát triển công nghiệp hỗ trợ do Samsung tổ chức nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp cho mình. Và may mắn, An Phú Việt đã cùng với 3 doanh nghiệp khác, bao gồm Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty Bao bì Việt Hưng và Công ty Công nghiệp Chiến Thắng đã được Samsung lựa chọn để hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm theo tiêu chuẩn 5S, 3R.
Samsung đang nỗ lực để cùng với doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. |
Đích thân 4 vị chuyên gia của Samsung đã từ Hàn Quốc sang Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Và sau 3 tháng, đến lượt ông Han Myong-sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam tới từng doanh nghiệp để kiểm tra.
“Đây là lần đầu tiên Samsung cử chuyên gia tới một thị trường để hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất của doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ thị trường Việt Nam quan trọng như thế nào đối với chúng tôi”, ông Han Myong-sup nói và rất nhanh nhẹn đi tới từng phân xưởng, từng công đoạn sản xuất của lần lượt các công ty.
Nói một cách chính xác, đó không phải là “tham quan”. Cách xem xét tỉ mỉ của ông Han đối với từng chút bụi bẩn trong phân xưởng của Công ty Việt Hưng, hay cách viết trên bảng phân công công việc của Công ty An Phú Việt còn nhỏ, và đương nhiên quan trọng nhất là từng sản phẩm của mỗi công ty đã chứng tỏ, Samsung rất chuyên nghiệp và vô cùng nghiêm túc trong chuyện tìm kiếm nhà cung cấp cho các nhà máy sản xuất thiết bị di động của mình tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Dù đánh giá khá cao nỗ lực của các công ty này, từ việc Công ty An Phú Việt đã nâng tỷ lệ vận hành máy móc từ 65% trước đây lên 78% và đặt mục tiêu 88%, đến Công ty Việt Hưng giảm thời gian sản xuất trước khi giao hàng từ 41 ngày xuống còn 10,5 ngày, rồi số lần khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm đã giảm từ trung bình 53 lần/tháng trước đây xuống còn 21 lần..., song ông Han Myong-sup cho rằng, mỗi công ty đều còn rất nhiều vấn đề phải hoàn thiện để hợp tác lâu dài với Samsung. Từng điểm hạn chế trong quy trình sản xuất của mỗi công ty đều đã được ông Han thẳng thắn chỉ ra.
“Không nhất thiết phải là doanh nghiệp lớn mới tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, mà là phải đáp ứng được chất lượng, giá cả và độ tin cậy cũng như các tiêu chuẩn mà khách hàng yêu cầu”, ông Hùng - sau 3 tháng nhận được sự hỗ trợ của Samsung - đã đúc rút kinh nghiệm như vậy.
Thực tế, trong 4 công ty nhận được sự hỗ trợ của Samsung trong đợt này, có hai công ty là Việt Hưng và Thăng Long đã là nhà cung cấp cấp 1 của Samsung ngay từ khi tập đoàn này đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Thông tin của PV, nhờ trở thành nhà cung cấp cho Samsung, Thăng Long đã nhanh chóng có bước phát triển vượt bậc, doanh thu đã tăng gấp 3,8 lần trong 5 năm qua, từ mức 3,41 triệu USD năm 2009 lên hơn 12 triệu USD trong năm 2014 và đang đặt mục tiêu 13 triệu USD trong năm nay.
Trong khi đó, Việt Hưng bắt đầu cung cấp bao bì carton, nhựa, pallet giấy… cho Samsung từ tháng 4/2009, và nhờ vậy, doanh thu của công ty này đã tăng theo cấp số nhân, từ 13 triệu USD năm 2010 lên 42 triệu USD trong năm ngoái và năm nay, con số dự tính là 65 triệu USD.
Không chỉ không ngừng mở rộng nhà xưởng hiện tại ở Hưng Yên, tháng 4/2015, Việt Hưng còn xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bao bì ở TP.HCM, theo ông Hoàng Gia Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty, là để “đón đầu cơ hội” do tổ hợp nhà máy thứ ba của Samsung - SEHC - mang lại.
Hiện tại 50% doanh thu của Việt Hưng là đến từ Samsung. Mất Samsung, Việt Hưng sẽ mất một nguồn doanh thu rất lớn. Trong khi đó, An Phú Việt hiện tại chỉ có doanh thu 2 triệu USD và đang kỳ vọng sẽ tăng gấp nhiều lần doanh thu một khi có cơ hội trở thành nhà cung cấp cho Samsung. Điều đó buộc họ phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu khắt khe của Samsung cả về chất lượng sản phẩm, giá cả, quy trình sản xuất.
Samsung - khi lên kế hoạch tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa - đã công bố một cụm bao gồm 8 chữ cái (T.Q.R.D.C.E.F.L), mà trong đó chứa đựng tất cả các tiêu chuẩn quan trọng nhất mà Samsung đặt ra với các nhà cung cấp, bao gồm cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Đó là các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, giá cả, giao hàng, môi trường, tài chính và luật pháp…
Các tiêu chuẩn khắt khe này khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam cho rằng họ không thể đáp ứng được. Nhưng rõ ràng, dù tiêu chuẩn khắt khe, vẫn có những doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được. Hiện tại, ngoài Thăng Long và Việt Hưng, còn có 39 doanh nghiệp Việt Nam khác đang hợp tác với Samsung. An Phú Việt và Chiến Thắng là hai đối tác tiềm năng. Danh sách này chắc chắn sẽ còn dài hơn nữa, nhất là khi Samsung không chỉ chủ động tìm kiếm mà còn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác tiềm năng trong thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Theo kế hoạch, sau 4 công ty nói trên, kế hoạch hỗ trợ của Samsung sẽ được thực hiện trong năm tới với nhiều công ty khác nữa.
“Tuy khởi đầu có chút khó khăn, nhưng tôi mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững ý chí, sự cố gắng và quyết tâm để cùng tham gia với Samsung trong chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Han Myong-sup nói.
Điều quan trọng, điều này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, một lĩnh vực mà lâu nay Việt Nam quá thiếu và yếu.
Theo Báo Đầu Tư