Ảnh minh họa |
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 25 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Lũy kế đến tháng 7/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 39,5 tỷ USD với 4.555 dự án đầu tư còn hiệu lực. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hyosung và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3 (Singapore, BVI, Thổ Nhĩ Kỳ ...).
Tổng vốn FDI lũy kế của Hàn Quốc tại Việt Nam có thể lên tới 50 tỷ USD, chiếm khoảng 18,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam và cao hơn 12 tỷ USD so với Nhật Bản, đối tác FDI thứ 2 tại Việt Nam.
“Có thể nói FDI của Hàn Quốc đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, đóng góp tới 47% tổng vốn FDI vào Việt Nam, gấp 7,8 lần vốn FDI của Nhật Bản, gấp 15,6 lần Singapore và gấp 8,3 lần Đài Loan - những đối tác FDI truyền thống đứng thứ 2,3,4 của Việt Nam” – Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015.
Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra việc làm cho 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2014.
Theo đánh giá của Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động cạnh tranh, chi phí nhân công rẻ, cần cù. Tốc độ tăng trường kinh tế ổn định cũng là một trong những nhân tố thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam.
Năm 2015, dự kiến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 2.200 USD/người, quy mô nền kinh tế đạt 204 tỉ USD. Thị trường tiêu thụ tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở, dễ tiếp cận, thân thiện, có thiện cảm với các sản phẩm Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi; chính sách ưu đãi tương đối cạnh tranh với mức thuế TNDN khá thấp so với các nước trong khu vực… khiến Việt Nam hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư Hàn Quốc.
Trong số các nước ASEAN có thu nhập dưới 10,000 USD, doanh nghiệp Hàn Quốc thường so sánh Việt Nam với Indonesia, Myanmar và Campuchia về cơ hội và môi trường đầu tư. Đặc biệt khi hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào tháng 5/2015.
Việc thực hiện hiệp định này chắc chắn sẽ đưa đến những hợp tác về thương mại và đầu tư có chất lượng hơn, có chiều sâu hơn, ví dụ như những cam kết của Việt Nam về các dịch vụ và các hoạt động đầu tư đối với các công ty Hàn Quốc trong khuôn khổ VKFTA. Ngoài ra, Hàn Quốc và ASEAN cũng đã ký gói cam kết đầu tiên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.
“Việt Nam là quốc gia đang phát triển “mở” nhất khu vực ASEAN với tiềm năng trở thành thành viên của TPP, Hiệp định Việt Nam - EU trong thời gian tới” – báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Theo Tri Thức Trẻ